Ở xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang)

Mỗi nóc gia là một góc cách mạng

“Ở chợ huyện Long Mỹ có bán hàng gia dụng hay cao cấp gì thì ở chợ xã Vĩnh Viễn cũng có mặt hàng đó” – câu nói ngắn gọn nhưng đầy tự tin của chị Hồ Thị Mỹ Thôn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn đã phác họa cái mới ở vùng đất một thời bị bao phủ bởi phèn – mặn và chiến tranh cày xới.
Mỗi nóc gia là một góc cách mạng

“Ở chợ huyện Long Mỹ có bán hàng gia dụng hay cao cấp gì thì ở chợ xã Vĩnh Viễn cũng có mặt hàng đó” – câu nói ngắn gọn nhưng đầy tự tin của chị Hồ Thị Mỹ Thôn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn đã phác họa cái mới ở vùng đất một thời bị bao phủ bởi phèn – mặn và chiến tranh cày xới.

  • Khí thế Vĩnh Viễn

Con đường nhựa từ trung tâm huyện Long Mỹ về xã Vĩnh Viễn những ngày này nhộn nhịp người qua lại. Những cành phượng đỏ chói chạy dọc theo hai bên đường như mở lòng đón khách. Ngã ba kênh Trực Thăng, nơi vùng trắng, chiến sự ác liệt năm xưa, nay đã thành hình một trung tâm thương mại với 200 căn nhà phố buôn bán sầm uất.

“Về đây như về quê nhà, lâu không về thấy nhớ quá. Bà con ở đây thân tình như ruột thịt” - Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong một lần về thăm lại Vĩnh Viễn tâm sự. Vĩnh Viễn là vùng đất mà Đại tướng Phạm Văn Trà gắn bó từ năm 1964, khi còn là cán bộ chỉ huy phân đội ở Trung đoàn U Minh, đơn vị 3 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Mỗi lần đại tướng ghé qua Vĩnh Viễn, ông đều đến thăm các gia đình cách mạng. Vĩnh Viễn - vùng căn cứ kháng chiến gắn với nhiều đơn vị, đặc biệt là căn cứ của Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

Chính ở căn cứ này, đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo quân và dân ta đánh bại 75 lượt tấn công của địch trong chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” sau Hiệp định Paris. “Mỗi nóc gia là một góc của truyền thống cách mạng” - chị Hồ Thị Mỹ Thôn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn nói. Câu nói ấy không quá, khi toàn xã có hơn 2.700 hộ, thì một nửa trong ấy là gia đình cố cựu đã trực tiếp tham gia cách mạng. Con số hơn 5.000 huân, huy chương các loại được nhà nước phong tặng cho người dân Vĩnh Viễn đã nói lên khí thế của những người tham gia kháng chiến ở đây.

  • Nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao

Men theo con đường bê tông uốn quanh những hàng cau chúng tôi ghé thăm nhà chú Trần Minh Bạch (Út Bạch), thương binh 4/4, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn. Năm 1974, chú Út Bạch là người leo lên đọt sắn (một loại cây cổ thụ có nhiều ở ĐBSCL) bắn quả pháo M72, mở màn cho cuộc bủa vây tiêu diệt đồn Cái Dứa.

Thật ấn tượng khi thửa đất hơn 2ha một thời bị nhiễm phèn mặn chỉ trồng khóm và mía, nay là một trang trại đa dạng với mít, xoài, dâu, vú sữa, chuối, rau…, còn dưới ao mương nuôi cá tai tượng, cá tra và trồng ấu. Người thương binh này đã cần mẫn cải tạo miếng đất lung bàu thành một mô hình du lịch sinh thái rất đẹp mắt. Hỏi về thu nhập từ cây, con trong ao vườn, chú Út Bạch chỉ nói ngắn gọn: “Một hai tuần thu hoạch mít, rau… bán vài triệu, còn cá thì khá hơn. Nhờ miếng vườn mà 7 đứa con đều ăn học đàng hoàng.

Mỗi năm hai vợ chồng cũng dành dụm gần 20 triệu đồng”. Ông chỉ là một điển hình nhỏ trong nhiều gia đình có truyền thống cách mạng vươn lên làm giàu trong cuộc sống hôm nay. “Trước đây người dân chỉ thu nhập khoảng 1 - 2 triệu đồng/năm, giờ thu nhập bình quân đã lên 10,3 triệu đồng/người/năm”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn Hồ Thị Mỹ Thôn cho biết.

Đáng nói hơn, người dân ở đây đã tự nguyện hiến đất làm hơn 80km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, họ còn đóng góp 70% vốn để làm đường. Đây là “cú hích” quan trọng để Vĩnh Viễn nối liền đường giao thông nông thôn liền mạch 7 ấp trong xã. Phong trào làm đường, thủy lợi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Vĩnh Viễn có sự đóng góp rất lớn từ các cán bộ lão thành cách mạng.

Đường giao thông sạch đẹp ở xã Vĩnh Viễn. Ảnh: C.H.P.

Đường giao thông sạch đẹp ở xã Vĩnh Viễn. Ảnh: C.H.P.

Gia đình bác Nguyễn Minh Thọ là một điển hình sinh động trong việc tham gia vận động chòm xóm xây dựng quê hương. Hai vợ chồng bác Thọ đều được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Khi vận động làm đường, nhiều người dân “hơi ngán” khi đóng góp 70% vốn làm đường đi qua cửa nhà. Bác Nguyễn Minh Thọ đã vận động bằng một câu nói khí thế đầy chất Nam bộ: “Hồi chiến tranh bom đạn bừa hoài còn không sợ chết, giờ đóng góp một ít, có gì mà bựa”! Nói là thế nhưng bác Thọ vẫn có lý lẽ thuyết phục: “Có đường giao thông, con em trong xóm không phải đi xuồng. Nhìn tụi nó chạy xe đạp đến trường không sướng sao?”. Thế là nhiều người tươi cười làm ngay!

“Vĩnh Viễn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Những năm qua, xã được tỉnh quan tâm chọn làm xã điểm chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới. Mới đây, Vĩnh Viễn có thêm cơ hội khi tỉnh đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao 5.000ha ở khu vực Vĩnh Viễn (và Vĩnh Viễn A, Lương Tâm cùng Lương Nghĩa). Khu nông nghiệp công nghệ cao là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Viễn phát triển mạnh hơn về thương mại dịch vụ, giải quyết việc làm tại chỗ, từ đó đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài ra, huyện cũng đang xúc tiến mở rộng đường từ 3,5m lên 7m để tạo đà cho Viễn Viễn tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới” – Bí thư Huyện ủy Long Mỹ Đặng Văn An nhận định. Đó sẽ là bước ngoặt mới để Vĩnh Viễn đi lên, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng

VĨNH TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục