Nhìn vào việc thưởng thức âm nhạc của sinh viên hiện nay, nhiều nhà giáo dục học và các bậc phụ huynh không khỏi lo ngại.
Xô bồ nhạc thị trường
Kết quả một cuộc khảo sát nhỏ tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, có 6/10 sinh viên (SV) trả lời không biết hát xoan, di sản văn hóa phi vật thể của thế giới; 3/10 SV cho biết chưa từng nghe nói đến hát xoan. Kiến thức về âm nhạc dân tộc của chính SV ngành văn hóa, âm nhạc còn hạn chế, nói gì đến SV các ngành khác.
Có một thực tế buồn, khi mà nhạc trẻ được phát hàng giờ trên hầu hết các phương tiện truyền thông thu hút lượng xem cao của SV thì âm nhạc dân gian chỉ được phát vào các chương trình ca nhạc đêm khuya. Chính điều này đã làm cho SV ít tiếp cận với âm nhạc dân tộc. K.N (SV năm 2, ĐH Mở TPHCM) bày tỏ: “Thường trên thị trường âm nhạc đang nổi lên bài gì, tụi em nghe bài đó. Ở đâu cũng có thể bắt gặp các bạn đồng trang lứa nghe như nhau. Hiếm khi có bạn nghe nhạc dân tộc”.
Tại các quán cà phê - kem, quán ăn tại làng ĐH Thủ Đức đều mở nhạc trẻ, nhạc thị trường, những bài não tình, bi lụy, nhạc dành cho tuổi mới lớn… vì đối tượng phục vụ chủ yếu của các quán trên chính là SV. Dọc theo quán cà phê, quán ăn dành cho SV xung quanh các trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận Bình Thạnh), ĐH Công Nghiệp (quận Gò Vấp), ĐH Mở (cơ sở quận Phú Nhuận), ĐH Nguyễn Tất Thành (quận 4), ĐH Thể dục thể thao (quận 5)… cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Hậu quả khó lường
Hòa cùng nhịp sống hiện đại, SV có thể nghe nhạc dễ dàng qua điện thoại, MP3, radio, laptop hay thưởng thức tại nhiều hàng quán, khu vui chơi giải trí, cửa hàng… Nhưng nếu như 10 năm trước, SV thường nghe những ca khúc hay, ý nghĩa với ca từ trau chuốt, tình cảm trong sáng, đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của các nhạc sĩ Dương Thụ, Thanh Tùng… thì SV ngày nay lại thường xuyên phải thưởng thức nhiều ca khúc nhảm nhí. Các bài hát có ca từ dễ dãi, miêu tả những cuộc tình lứa đôi, tình tay ba, lời lẽ nhiều khi dung tục. Hậu quả kéo theo là lối sống xuề xòa thực dụng trong tình cảm, giao tiếp của một số bộ phận SV hiện nay.
Thực trạng yêu nhanh, sống vội, sống thử, bạo lực tình yêu… đã xảy ra không ít trong SV. Bên cạnh những nguyên nhân xã hội khác, những bài hát được gọi là “thảm họa nhạc trẻ” cũng có phần tác động không nhỏ. L.H. (SV năm 3, Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan) thừa nhận: “Tuy chưa có ai chứng minh nhạc trẻ ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ và hành động của SV hiện nay, nhưng thật sự một khi thường xuyên tiếp xúc nhiều với một điều gì đó, ắt hẳn ai cũng sẽ bị ảnh hưởng trong quan điểm, suy nghĩ, không ít thì nhiều”.
Trường hợp của SV N.T. (ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Kỹ thuật Công nghệ) là một ví dụ. N.T nổi tiếng đào hoa và thay người yêu như thay áo, có khi cùng một lúc T. quen đến 3, 4 cô bạn gái. Khi được bạn bè chân tình góp ý, T. viện lý do: “Mày không nghe Hoàng Châu hát bài Không tham lam không phải đàn ông à? Mọi người đều công nhận thế, chứ có phải riêng tao đâu? Không yêu, nó phí đời”. Hay như trường hợp của Q.D. (SV Trường Cao đẳng Cao Thắng), do trải qua nhiều cuộc tình không thành, D. trở nên rất tự ti và có cái nhìn ác cảm đối với phái nữ.
Gạt bỏ loại nhạc nhảm nhí, bệnh hoạn và phát huy âm nhạc dân tộc là việc làm rất bức thiết hiện nay. Hy vọng các cơ quan ban ngành sớm có biện pháp cụ thể, giúp môi trường âm nhạc được trong sạch, để giới trẻ có thể tiếp nhận và thưởng thức nhiều hơn những sáng tác có giá trị.
XUÂN TIẾN