Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? Bài 3: “Xí” đất rồi bỏ hoang

Đất “vàng” không sinh lợi...
Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? Bài 3: “Xí” đất rồi bỏ hoang

Khi chúng tôi quay lại những công trình, kho bãi bỏ trống mà Báo SGGP đã phản ánh nhiều năm trước đây thì thật bất ngờ: nó vẫn y nguyên - lãng phí! Hầu hết các công trình này lại nằm ở những vị trí đắc địa nên câu hỏi vì sao cứ quay đi quay lại như một điệp khúc trong suy nghĩ nhiều người.

Đất “vàng” không sinh lợi...

Tòa nhà “hoành tráng” 1 trệt, 5 tầng ngay giữa trung tâm thành phố “tấc đất tấc vàng” được xây dựng dở dang… nhiều năm, giờ đang nằm trơ những trụ sắt, mốc rêu bám đầy trên nền tường. Đó là công trình tại địa chỉ 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM. Những người dân sống gần khu vực này cũng thắc mắc không biết vì sao tòa nhà này bị hoang phế từ nhiều năm nay. Tòa nhà được xây dựng trong khuôn viên vài ngàn mét vuông với chiều dài mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai ước tính khoảng gần 40m. Bên ngoài công trình được bọc tường rất kỹ nhưng bên trong là… bãi giữ xe gắn máy và xe tải.

Tuy không có chức năng trả lời nhưng khi chúng tôi đưa máy hình lên chụp, những người được thuê giữ khu đất này kéo vội cánh cửa sắt đóng kín mít. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình này thuộc Xí nghiệp May Sài Gòn 3 quản lý từ năm 1986, đến năm 2001 đơn vị này chuyển thể thành Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, được UBND TPHCM giao khu đất này để sử dụng làm văn phòng giao dịch.

Tuy nhiên không hiểu vì sao nó bị bỏ trống. Vì vậy, năm 2002, UBND TP ra quyết định thu hồi để xây dựng Trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Cao ốc văn phòng. Tưởng nó được “lên đời”, ai dè, từ đó đến nay việc xây dựng cũng bị dở dang nhiều lần. Mới đây nhất là vào tháng 10-2007, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án chậm nhất đến tháng 12-2007 để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư Trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Cao ốc văn phòng. Nhưng rồi nó vẫn phơi nắng, phơi mưa… khiến nhiều người đi đường nhìn vào phải “chặc lưỡi” tiếc rẻ.

Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? Bài 3: “Xí” đất rồi bỏ hoang ảnh 1

Tòa nhà Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Cao ốc văn phòng (số 86 Nguyễn Thị Minh Khai, Q3) xây dựng dở dang và bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí lớn. Ảnh: L.LONG

Một công trình khác không kém phần lãng phí là dự án xây dựng cao ốc, khách sạn của Công ty cổ phần Khách sạn hàng không Việt Nam. Tọa lạc tại một vị trí đắc địa, nằm ngay góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 (địa chỉ cũ là 27B Nguyễn Đình Chiểu) do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) quản lý, công trình có tuổi “thai nghén” hơn… 14 năm, hiện vẫn chưa thành hình.

Được biết, đầu năm 1994, Vietnam Airlines đã liên kết với một công ty nước ngoài để triển khai xây dựng tại khu đất “vàng” này một khách sạn 4 sao. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, công ty nước ngoài này mất khả năng tài chính, Vietnam Airlines không thể “kham” nổi công trình sau khi đã xây dựng được… 1 trệt, 4 tầng thì ngưng hẳn và bỏ hoang từ đó đến nay(?).

Hiện nay công trình dở dang này đã xuống cấp trầm trọng, chỏng chơ gọng sắt. Thế nhưng, nó được “bảo vệ” bằng những tấm tole rất mới bao bọc xung quanh. Công trình xây dựng dở dang hư mục đã đành, việc không đưa vào khai thác sử dụng lại là một sự lãng phí lớn cho thành phố hơn chục năm nay. Theo cách tính của một kỹ sư xây dựng, nếu tòa nhà của Vietnam Airlines hoàn thành đúng kế hoạch và được đưa vào sử dụng, tính lũy tiến thì số tiền thất thoát phải lên đến cả ngàn tỷ đồng. Còn giờ xây dựng lại phải đập bỏ hoàn toàn cái đã xây trước - lãng phí kép.

Tương tự, nhiều dự án khác triển khai xây dựng nhưng lại bỏ dở dang như tòa nhà tại địa chỉ 35 Tôn Đức Thắng, quận 1 đã ngưng hơn 1 năm nay sau khi đã xây dựng được 1 trệt, 2 lầu; dự án xây dựng tòa nhà cao ốc văn phòng 193 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 của Công ty cổ phần Kim khí TPHCM…

Lãng phí là do... “bao cấp” giá!

Vì sao hầu hết các khu đất bị bỏ trống là đất công và “chủ” của nó hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước (hoặc đã cổ phần hóa)? Câu trả lời của nhiều chuyên gia kinh tế: Do “bao cấp” giá thuê! Giá thuê đất nhà nước hiện nay chỉ vài phần trăm trên giá trị đất tính trên khung giá đất do nhà nước ban hành (mà khung giá đất này rất thấp so với giá thị trường), nên doanh nghiệp dẫu không có nhu cầu sử dụng đất thật sự vẫn muốn “xí” đất mong hưởng giá trị vị thế về sau.

Đó là chưa kể hợp đồng thuê lâu dài (thường đến 50 năm) nên chẳng khác nào mua (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chỉ 50 năm). Giá thuê quá rẻ, nếu không có nhu cầu sử dụng thì đem cho thuê lại, “ngồi rung đùi” cũng hưởng lợi. Bằng chứng là qua khảo sát sơ bộ của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP tại quận 8 thì đến 2/3 diện tích đất công giao cho các đơn vị quản lý sử dụng nhưng bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích, cho thuê lại…

Hơn nữa, qua sơ kết công tác đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thì hầu hết công ty cổ phần chọn phương án thuê đất, rất ít công ty mua. Nguyên nhân, mua thì phải tính theo giá đất thị trường, trong khi thuê thì được căn cứ vào khung giá đất nhà nước. Thời hạn thuê lâu đã đành, tài sản nhà cửa trên đất lại là tài sản của doanh nghiệp nên rất ít khi nhà nước thu hồi lại đất được (nếu thu hồi phải bồi thường tài sản trên đất với giá thị trường)…

Những bất hợp lý đó ngày càng làm cho nhiều khu đất, nhà xưởng bị lãng phí. Điều đó khiến dư luận bức xúc. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Minh Hoàng cho rằng: “Do chúng ta không kiên quyết chứ thuê kho bãi thì phải có thời hạn, không phải muốn kéo dài bao nhiêu cũng được. Phải dứt khoát thu hồi những kho bãi sử dụng sai mục đích. Đơn vị nào không chấp hành phải tiến hành cưỡng chế. Không có lý do gì để kho bãi bỏ trống, sử dụng sai mục đích, cho thuê lại, trong khi biết bao công trình phúc lợi xã hội cần được xây dựng như trường học, bệnh viện, công viên… lại không có đất để xây”.

Thế nhưng, theo chúng tôi “bài thuốc” trị “căn bệnh” lãng phí này chỉ đơn giản là tăng giá cho thuê bằng với giá thị trường. Như vậy, vừa công bằng đối với các thành phần kinh tế, vả lại chẳng doanh nghiệp nào dại gì trả tiền thuê đất cao mà lại bỏ trống, mà muốn cho thuê lại cũng không có lời. Và lợi ích khác, theo khảo sát của chúng tôi, nếu tăng tiền cho thuê đất, mỗi năm ngân sách thành phố sẽ tăng thêm hàng chục ngàn tỷ đồng.

Hàn Ni - Lê Long

- Thông tin liên quan: Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? (Bài 1&2)

Tin cùng chuyên mục