Xử lý ô nhiễm tại Hyundai - Vinashin: Kế hoạch: đã có - Hiệu quả: còn chờ!

Xử lý ô nhiễm tại Hyundai - Vinashin: Kế hoạch: đã có - Hiệu quả: còn chờ!

Trên 600.000 tấn bụi hạt nix thải đang “tồn kho”, hàng trăm tấn thải sinh hoạt và độc hại khác đã và đang bị Hyundai-Vinashin (HVS) thải ra. Người dân và các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng ra nhiều văn bản xử lý… nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân đẫn đến tình trạng này và liệu sẽ còn bao nhiêu “HVS” ở Việt Nam…

Giảm hoạt động để giảm ô nhiễm

Xử lý ô nhiễm tại Hyundai - Vinashin: Kế hoạch: đã có - Hiệu quả: còn chờ! ảnh 1

Ông Vũ Minh Phú, Phó Tổng Giám đốc HVS, đang giới thiệu về các trerapob được sản xuất từ hạt nix thải.

Những ngày này, không khí làm việc tại HVS có vẻ lặng lẽ hơn trước. Ông Vũ Minh Phú, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của HVS, cho biết, từ giữa năm 2007 đến nay, HVS đã từ chối 11 hợp đồng sửa chữa tàu với tổng trị giá trên 34 triệu USD. Công việc chủ yếu của HVS hiện nay là hoán cải tàu chở ô tô vì việc này sử dụng ít hạt nix hơn, tức gây ô nhiễm ít hơn.

Để minh chứng cho thiện chí của HVS, ông Vũ Minh Phú còn đưa ra các con số: trước năm 2007, HVS sử dụng trên 100.000 tấn hạt nix/năm, năm 2007 sử dụng khoảng 90.000 tấn và từ đầu năm 2008 đến nay chỉ sử dụng 2.792 tấn hạt nix.

Cũng theo ông, từ giữa năm 2007 đến nay, HVS không nhập thêm hạt nix và trong kho chỉ còn khoảng 8.000 tấn hạt nix…”. HVS cũng đang triển khai lắp đặt 10 máy phun nước áp lực cao có tổng trị giá 1,2 triệu USD, thay việc sử dụng hạt nix bằng hạt thép (có khả năng sử dụng lại được 180 lần) dù giá hạt thép cao gấp 40 lần hạt nix, xây dựng nhà xưởng kín để làm sạch và sơn tàu…

Không phủ nhận những cố gắng của HVS nhưng cần nhớ rằng những động thái trên chỉ có thể giảm việc gây thêm ô nhiễm, còn số hạt bụi nix đã thải ra bao nhiêu năm qua sẽ được xử lý như thế nào là vấn đề cần được quan tâm không kém.

Kế hoạch giải quyết tồn đọng

Có thể nói trước áp lực của dư luận, đặc biệt sau kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ngày 26-11-2007) yêu cầu HVS đến cuối năm 2010 xử lý hết số lượng hạt nix thải tồn đọng tại kho chứa và không để tồn dư hạt nix thải từ quá trình sản xuất, HVS đã triển khai một số biện pháp, dự án cải thiện ô nhiễm môi trường.

Cuối tháng 11-2007, theo chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Công ty cổ phần Thép Vân Thái-Vinashin đã đầu tư trên 98 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất bê tông sử dụng hạt nix để sản xuất cọc bê tông xây dựng và các cấu kiện công trình biển, đặc biệt là trerapob làm kè biển. Công suất nhà máy sử dụng khoảng 40.000 tất hạt nix thải/năm. Những sản phẩm đầu tiên đã ra lò và đã được các cơ quan chức năng thẩm định về chất lượng, độ an toàn đối với môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, cán bộ phòng kế hoạch của nhà máy: “Chúng tôi đã có một số đơn đặt hàng, trong đó Vinashin đặt 600 trerapob trọng lượng 15 tấn/trerapob...”. Để hỗ trợ nhà máy này, HVS đã giao 10 ha đất nằm trong khuôn viên HVS, xây dựng bờ rào và cho phép sử dụng cầu cảng trong việc xây dựng nhà máy cũng như vận chuyển sản phẩm từ đây đi các nơi.

Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong (BQLVP), ngày 19-3-2008, BQLVP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội xây dựng nhà máy xử lý phế thải nix từ HVS với tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng, quy mô sử dụng 330.000 tấn nix thải/năm.

Ngày 1-4-2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trên. Dự kiến tháng 9-2008 nhà máy sẽ được khởi công và đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng. Theo phương án, ngoài việc sử dụng hạt nix làm bê tông, hạt nix sẽ được nung nóng để lấy quặng thép dùng làm phôi thép, phần còn lại được dùng làm phụ gia sản xuất xi măng.

Ông Vũ Minh Phú khẳng định: “Với việc triển khai 2 nhà máy này, chúng tôi tin rằng đến năm 2010 số hạt nix tồn kho sẽ được xử lý hết …”

Có lẽ do HVS đã quá nhiều lần hứa mà tình hình vẫn chưa chuyển biến nhiều nên lần này, trước kế hoạch xem ra khá bài bản của HVS, dư luận vẫn chưa dám hồ hởi mà chủ yếu là chờ đợi và hy vọng.

Để không tái diễn những “HVS”

Về “vấn đề HVS”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên –Môi trường Trần Hồng Hà đã từng phát biểu: “HVS là bài học cho chúng ta, do nóng lòng thu hút đầu tư, nhận thức chưa đầy đủ và xem nhẹ vấn đề môi trường, việc xử lý những vi phạm chưa triệt để và chúng ta đã phải trả giá…”. Vậy đó là bài học gì?

Hầu hết dự án đầu tư vào các ngành có gây ô nhiễm, về mặt thủ tục đều có báo cáo tác động môi trường, phương án xử lý các loại chất thải được các cơ quan chức năng thông qua. Điều đáng nói là trên thực tế, khi dự án đi vào hoạt động thì các phương án trên chủ yếu chỉ nằm trên giấy, trong khi công tác “hậu kiểm” chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Ở HVS, sau hơn 10 năm hoạt động, HVS tồn kho trên 600.000 tấn bụi hạt nix (đây là số đưa vào kho, còn số bụi nhỏ bay vào nhà dân thì không thể thống kê được - PV) nhưng dường như chẳng ai quan tâm. Đến khi dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, và Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì việc xử lý ô nhiễm mới được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp “ra tay quyết liệt”.

Mới đây, qua việc xử lý lượng chất thải mà một nhà thầu phụ của HVS “chôn trộm”, lại thêm một vấn đề được đặt ra. Về nguồn gốc 200 tấn chất thải nguy hại bị “chôn trộm”, ông Trần Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa, cho rằng đó là phát sinh trong quá trình sửa chữa tại HVS.

Nhưng ông Võ Đức Thân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa, nhận định: “Nếu không phải toàn bộ thì phần lớn chất thải nguy hại nói trên đã có sẵn trên đốc tàu trước khi được đưa từ Ukraina về Việt Nam”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Minh Phú lại cho rằng số chất thải này đã có sẵn trên tàu khi về HVS và đã được Hải quan cho thông quan. Như vậy, hơn 10 năm qua, lượng chất thải “được” tàu đưa về từ bên ngoài là bao nhiêu, gồm những chủng loại nào, việc xử lý chúng ra sao và ai chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý… vẫn đang bỏ ngỏ.

Trước áp lực của dư luận và báo chí, HVS đã và đang có những động thái tích cực nhằm xử lý ô nhiễm môi trường. Vấn đề bây giờ là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải làm tròn chức năng quản lý, giám sát và xử lý kiên quyết những sai phạm của doanh nghiệp. 

CHIẾN DŨNG

Thông tin liên quan:

* Vụ đổ chất thải độc hại ra môi trường: Sẽ kiến nghị xử phạt Hyundai - Vinashin

* Khánh Hòa: Bắt quả tang Hyundai-Vinashin đổ chất thải nguy hại trái phép

Tin cùng chuyên mục