Miền Trung thiệt hại nặng do mưa lũ

° Đã có 3 người chết
Miền Trung thiệt hại nặng do mưa lũ

° Đã có 3 người chết

(SGGP).- Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhờ lượng mưa giảm nên lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung đang xuống chậm, riêng sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đang lên và đến đêm nay có khả năng lên mức báo động 1.

Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là diện tích lúa hè thu bị ngập úng nặng. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các tỉnh miền Trung có 3 người chết, 5 người bị thương. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã làm cho 73 ngôi nhà bị trôi, sập, hư hỏng, hơn 10.000ha lúa, hoa màu bị ngập, ngã đổ; hơn 60 tấn cá, tôm bị cuốn trôi… Đến nay vẫn chưa có con số cụ thể, nhưng ước tính thiệt hại về tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh miền Trung lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Khoảng 5.000 tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung đã vào bờ hoặc tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Tại Thừa Thiên-Huế, trưa ngày 5-9, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xác định được danh tính nạn nhân bị chết do lật thuyền và lũ cuốn trôi vào ngày 4-9 là ông Phan Cảnh Sửu (76 tuổi) trú tại thôn Phú Lương B, xã Quảng An, huyện Quảng Điền. Như vậy, trận mưa lũ từ ngày mùng 3 kéo dài đến ngày 5-9 tại Thừa Thiên-Huế đã làm 2 nạn nhân thiệt mạng.

Trong ngày 5-9, tại Thừa Thiên-Huế vẫn tiếp tục xảy ra những đợt mưa vừa đến mưa rất to khiến mực nước lũ tại sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu dao động ở mức báo động 2. Hiện tại, chính quyền và người dân địa phương đang dồn sức chống úng để cứu 1.095ha lúa hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch bị ngập úng và đổ gẫy do mưa lũ; 625ha sắn, 140ha khoai lang và trên 1.000ha rau xanh thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy bị ngập lụt nặng. Triển khai hàn khẩu và khắc phục các công trình thủy lợi bị vỡ và sạt lở do mưa lũ.

Tại Quảng Trị, đến chiều 5-9, vẫn còn hơn 2.000ha lúa của huyện Hải Lăng còn chìm trong biển nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000ha hoa màu đang bị ngâm nước. Trên nhiều cánh đồng, hạt lúa bắt đầu nảy mầm. Người dân tranh thủ nước rút đến đâu, xuống đồng gặt lúa chạy lũ đến đó.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB & TKCN Quảng Trị đã cấp 500 bao tải đựng cát về gia cố các tuyến đê bị sạt lở. Đến 13 giờ ngày 5-9, việc gia cố đê đã hoàn tất. Lực lượng trực chiến đê vẫn hoạt động 24/24 giờ đề phòng tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp.

NG. HÙNG - V. THẮNG - TH. UYÊN

Áp thấp nhiệt đới trở ra biển Đông

Chiều 5-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sau 3 ngày di chuyển chậm và áp sát vào bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi, gây mưa lớn khắp các tỉnh thuộc miền Trung như: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… hiện áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang có xu hướng chạy ngược trở ra ngoài biển Đông. Hồi chiều qua, vị trí của ATNĐ đã đi ra xa vùng biển Quảng Ngãi-Quảng Nam-Bình Định khoảng hơn 200km.

Nguyên nhân khiến ATNĐ đi ngược trở ra là do bị hút bởi một vùng áp thấp đang tồn tại ở phía Đông đảo Luzon của Philippines. Bởi vậy, trong 24 giờ tới, ATNĐ sẽ đổi hướng di chuyển từ Đông sang giữa Đông và Đông Đông Bắc, bắt đầu tăng tốc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, gây gió giật và mưa lớn ở vùng ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định và phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Biển động mạnh. ATNĐ cũng sẽ làm gió mùa Tây Nam ở các vùng biển phía Nam mạnh dần lên, gây mưa to cho Nam bộ và Tây Nguyên. Các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang cần đề phòng sạt lở đê biển do sóng lớn. Các tỉnh Tây Nguyên cần đề phòng sạt lở núi và lũ quét.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, đường đi của ATNĐ có thể diễn biến kỳ lạ, không theo quy luật thông thường nên các ngư dân trên biển cần theo dõi chặt chẽ.

V. PHÚC


Quảng Ngãi: Cứu lúa trong mưa

3 ngày mưa tầm tã trên  địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khiến nhiều cánh đồng lúa của vụ hè - thu đang trong giai đoạn thu hoạch đã bị ngập chìm trong nước. Vụ lúa này được xem là trúng mùa nhưng mưa lũ lại gây thất thu nặng cho nông dân của tỉnh này.

Người dân huy động ghe vớt lúa. Ảnh: H. NGÂN

Người dân huy động ghe vớt lúa. Ảnh: H. NGÂN

Trời vẫn mưa nặng hạt, nhưng bà con nông dân ở các xã Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa của huyện Sơn Tịnh vẫn khẩn trương ra đồng để vớt lúa. Phao và ghe thuyền dùng cho phòng chống lụt bão đã được huy động tối đa để trưng dụng làm phương tiện thu hoạch lúa chạy lũ. Những cánh đồng lúa sắp thu hoạch đã bị ngâm trong nước 2 ngày qua, bà con nông dân tranh thủ thu hoạch để cứu vãn phần nào, nhiều hộ gia đình phải chấp nhận thu hoạch lúa xanh hạt. Người nông dân Quảng Ngãi đang đứng trước nguy cơ lặp lại tình trạng mất mùa do thiên tai như vụ lúa đông – xuân vừa qua.

Ông Phan Quang Hùng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết, toàn huyện gieo sạ được 5.000ha lúa hè – thu nhưng hiện nay trên 1.000ha lúa nằm trong vùng trũng bị ngập sâu. Huyện đã chỉ đạo cho bà con nông dân khẩn trương ra đồng để vớt lúa và tìm cách tiêu úng trên ruộng đồng để giảm thiệt hại. Vụ hè – thu này, tỉnh Quảng Ngãi có trên 30.000ha lúa đang chín rộ nhưng mới chỉ thu hoạch được khoảng 10%. Các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Bình Sơn là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa này.

Hiện các Trạm quản lý thủy nông của tỉnh Quảng Ngãi đã huy động tối đa phương tiện và nhân lực cùng với lực lượng xung kích ở địa phương tiến hành tháo các bờ ngăn đắp hồ đập, khơi thông dòng chảy để nước thoát ra sông, biển. Theo dự báo, thời tiết ở Quảng Ngãi vẫn còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

H. MINH

Tin - bài liên quan:

* Miền Trung: Lũ trên các sông đang xuống chậm

* Mưa lớn gây ngập nặng các tỉnh miền Trung

Tin cùng chuyên mục