Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10).
Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành

(SGGPO).- Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10). Hồi 13 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

  • Sáng sớm 15-9, bão đổ bộ

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 1 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành ảnh 1

Vị trí và đường đi của cơn bão số 11. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 16-10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Lào – Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (14-10) còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Từ chiều tối nay (14-10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

Song Nguyên

  • Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành

Từ sáng đến giờ, người dân Đà Nẵng, Quảng Nam – vùng tâm điểm của bão số 11 càn quét qua, đã căng mình ứng phó.

Cả buổi sáng và hết chiều 14-10, chúng tôi đã di chuyển bằng xe máy trong điều kiện gió giật mạnh cấp 7, cấp 8 đến những vùng xung yếu để ghi nhận công tác phòng chống bão của người dân cũng như các cấp chính quyền địa phương ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

Dọc tuyến đường ven biển nối từ Đà Nẵng đến Hội An (Quảng Nam) người dân hết sức tất bật, dầm mưa để tiến hành dùng bao cát chèn mái tôn, đổ xô đến các đại lý vật liệu xây dựng mua dây thép, đinh về chèn chống nhà cửa. Ông Đặng Văn Hùng, nhà ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), thở dốc, nói: “Không thể chủ quan lơ là được. Mất cơn bão trước Đà Nẵng chỉ ảnh hưởng nên gió không mạnh lắm, nhưng ở cơn bão này theo dự báo thì chắc chắn Đà Nẵng là vùng tâm bão đi qua nên từ sáng đến giờ cả gia đình tôi đi mua bao tải về xúc cát chèn mái tôn. Cánh cửa kéo được làm bằng sắt này không thể “trụ nổi” với bão cấp 10 chứ đừng nói cấp 12, 13 như bão 11 được”.

Cũng như ông Hùng, hàng nghìn hộ dân ở các phường thuộc các quận ven biển Đà Nẵng, như: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu đã triển khai công tác chống bão từ rất sớm và kéo dài đến chiều tối, bỏ cả ăn trưa. Ông Lê Hoàng Duy, nhà ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), cho rằng: “Tôi ở đây hàng chục năm qua, hứng chịu không biết bao nhiêu cơn bão nên biết rằng, việc chống bão, chèn chống nhà cửa cần phải làm sớm, làm gấp và cẩn trọng”. Đây cũng là kinh nghiệm phòng chống bão của hầu hết người dân ở miền Trung sau khi bão số 6 hồi năm 2006 quét qua miền Trung. Bởi lúc đó, do chủ quan, nên đến khi gió bão lớn ập vào thì mới triển khai chèn chống nhà cửa nên thiệt hại vô cùng lớn, là số người thương vong rất nhiều.

Đến chiều 14-10, gió đã bắt đầu thổi mạnh tại Đà Nẵng nhưng người dân vẫn tranh thủ xúc cát vào bao để chừn mái nhà. Ảnh: Hà Minh

Đến chiều 14-10, gió đã bắt đầu thổi mạnh tại Đà Nẵng nhưng người dân vẫn tranh thủ xúc cát vào bao để chừn mái nhà. Ảnh: Hà Minh

Ngoài ngôi nhà, tài sản quý giá nhất của hàng nghìn hộ dân ven biển Đà Nẵng là những chiếc thuyền, thúng. Đây là nguồn sinh kế duy nhất của cả gia đình, nên việc kéo tàu thuyền lên bờ rất được chú trọng. Đến 9 giờ sáng ngày 14-10, tất cả số tàu thuyền công suất nhỏ của bà con ngư dân đã được kéo lên bờ an toàn. Riêng tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, lực lượng Bộ đội biên phòng túc trực 24/24 để hướng dẫn gần 1 nghìn tàu thuyền của ngư dân miền Trung vào neo đậu trú tránh bão.

Trong khi đó, chính quyền các huyện, thị khu vực phía Bắc Quảng Nam (giáp ranh với Đà Nẵng), như huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An, Đại Lộc… cũng khẩn trương huy động các lực lượng, như: Thanh niên, xung kích, bộ đội phối hợp cùng lực lượng của Quân khu 5 tiến hành giúp sơ tán người dân ngay từ đầu giờ chiền 14-10. Vội ôm theo 2 bộ quần áo, cái chiếu, chăn màn, bà Võ Thị Mười (70 tuổi, ở xã Điện Dương, Điện Bàn), nói: Chạy bão miết rồi cũng quen chú ơi. Nhà bị mối mọt ăn hết nên mục nát rồi. Trước mắt mấy chú bên xã đưa tôi qua ủy ban trú, còn vợ chồng thằng con trai và mấy đứa cháu sẽ chạy qua nhà hàng xóm trú nhờ”. Cũng như bà Mười, đến đầu giờ chiều 14-10, xã Điện Dương đã tổ chức sơ tán gần 300 người già và trẻ em đang sống trong những ngôi nhà không kiên cố đến nơi an toàn.

Tại huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đại Lộc nằm ngay “sau lưng” Đà Nẵng nên chắc hẳn khi bão đổ bộ vào Đà Nẵng thì sẽ càn quét qua huyện. Chính vì vậy, việc chèn chống nhà cửa đã được chính quyền huyện triển khai từ 2 ngày qua. Ngoài việc sơ tán dân để tránh bão, chúng tôi còn phải sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng sạt lở. Bởi huyện Đại Lộc nằm ngay phía dưới “họng nước” của các đập thủy điện A Vương, ĐắkMi 4. “Chúng tôi sẽ làm quyết liệt và hoàn thành mọi công tác trước 19 giờ tối nay, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại cho người dân” – ông Trúc quả quyết.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như việc trực tiếp vào chỉ đạo công tác ứng phó của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải và Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, đến cuối giờ chiều 14-10, tất cả mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành. Người dân và chính quyền vùng tâm bão số 11 đi qua tỏ ra yên tâm hơn và chỉ còn cầu mong mọi việc đều bình yên.

NGUYỄN HÙNG

  • Thừa Thiên – Huế: Bão đổ bộ đúng lúc triều cường dâng

Sáng 14-10, kiểm tra thực tế tại khu vực cửa biển Tư Hiền thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, vùng ảnh hưởng trực tiếp bão số 11 từ phía bắc thành phố Đà Nẵng đến  phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự kiến, đêm 14 rạng sáng 15-10 bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Theo quy luật, ở cánh phía bắc, tức là ở phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, gió bão bao giờ cũng mạnh và kèm theo mưa lớn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương triển khai phòng chống bão; kiểm tra kho tàng, cầu cảng ở cảng Chân Mây.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh và huyện Phú Lộc phải yêu cầu bà con nhân dân tìm nơi cao, chắc chắn để tránh trú bão. Bão đổ bộ vào đất liền đúng lúc chiều cường dâng sẽ rất nguy hiểm. Phải kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ngay sát bờ biển và vùng có nguy cơ ngập lụt. Do bị ảnh hưởng 2 cơn bão liên tiếp nên lượng nước các hồ thủy điện và hồ chứa thủy lợi rất lớn nên phải chủ động có phương án phòng chống lũ ở hạ du.

Chính quyền và người dân ven biển Thừa Thiên – Huế đã gia cố bao tải cát và đá tại bờ biển để giữa đất khi sóng dâng cao, biển xâm thực.

Chính quyền và người dân ven biển Thừa Thiên – Huế đã gia cố bao tải cát và đá tại bờ biển để giữa đất khi sóng dâng cao, biển xâm thực.

Theo ghi nhận của Báo SGGP Online, đầu giờ chiều 14-10, hàng trăm loại phương tiện, dụng cụ cứu hộ cứu nạn như xe ôtô lội nước, xuống cao tốc, phao tập thể, áo phao cứu sinh, máy phát điện, hệ thống nhà bạt... đã được đưa về các vùng xung yếu để chống bão. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức các đoàn đi kiểm tra các vùng xung yếu, điểm sạt lở và vùng ven biển, đầm phá… Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, địa phương vừa phát lệnh di dời 3.500 hộ dân vùng xung yếu, ven biển, sạt lở đến nơi trú ẩn an toàn. Hiện có hơn 1.000 người dân vùng sạt lở của huyện Phú Lộc và Phú Vang đã di dời. Dự kiến công tác di dời sẽ hoàn thành trước 19 giờ tối 14-10.

Lực lượng bộ đội, công an và phương tiện cứu hộ cứu nạn đã cắm chốt tại các địa bàn xung yếu để sẵn sàng ứng cứu. Lo ngại nhất hiện nay là các xã vùng ven biển như Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang... thuộc huyện Phú Lộc, trưa 14-10 sức gió mới cấp 6 mà sóng biển đã đánh tràn qua bờ cát, nước biển đang tràn dần vào các khu dân cư, người dân đang dùng bao tải cát để che chắn sóng. Thượng tá Lê Văn Phương, phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã điều động lực lượng cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng đến các địa bàn xung yếu, hỗ trợ người dân di dời tài sản nuôi trồng ở vùng đầm phá, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn.

Văn Thắng

  • Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn chịu gió giật trên cấp 10

Sáng nay, 14-10, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã hứng chịu những đợt gió giật mạnh đầu tiên của cơn bão số 11. Nhiều cây cối, nhà cửa trên đảo bị gió bão quật ngã, hàng trăm ha hành, tỏi mới được gieo trồng đã bị lượng mưa 100mm đánh ngã dập nát. Tại vũng neo trú tàu thuyền, trên 300 phương tiện của ngư dân địa phương đã vào neo đậu an toàn. Tuy nhiên, thủy triều cạn, luồng lạch trong khu vực neo đậu hẹp nên việc ra vào neo đậu của các phương tiện gặp khó khăn. Huyện Lý Sơn đã chỉ đạo cho Nghiệp đoàn nghề cá phối hợp với lực lượng Biên phòng, dân quân biển hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân đưa tàu cá vào nơi neo đậu. Hệ thống liên lạc Icom cộng đồng, đài trực canh thường xuyên liên lạc với các tàu cá đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và vùng nguy hiểm của bão khẩn trương cho phương tiện chạy về đảo hoặc tìm nơi tránh trú an toàn. Hiện toàn bộ 13 tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa đã và đang chạy về cập đảo tránh trú bão số 11.

Huyện Lý Sơn đã cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền không được ra khơi. Đồng thời chỉ đạo cho xã đảo An Bình chuẩn bị lương thực thực phẩm kịp thời cung cấp cho nhân dân, nếu đảo bị cô lập dài ngày do ảnh hưởng của bão số 11. Di dời toàn bộ 7 hộ dân với trên 20 nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở về nơi tránh trú an toàn.

Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Xác định đây là cơn bão mạnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào địa phương, Ban Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn huyện đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tuyên truyền vận động nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu trên đồng, kiểm tra thường xuyên các công trình quan trọng xung yếu trên đảo.

Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão Trung ương đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 11.

Hà Minh


  • Bão mạnh cấp 11, cấp 12

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 7 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành ảnh 4

Vị trí và đường đi của cơn bão số 11. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ này 16-10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Nam Lào – Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Từ chiều tối nay (14-10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung – Tây Nguyên cho biết: Trước diễn biến hết sức nguy hiểm của bão số 11, ngay từ chiều tối qua đến sáng nay, 14-10, các địa phương miền Trung đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11. Theo đó, dừng tất cả các cuộc họp, các công việc không cần thiết để tập trung mọi nguồn lực, cử các cán bộ xuống từng vùng xung yếu, vùng ven biển, vùng trũng thấp để chỉ đạo quyết liệt công tác đối phó với bão số 11 nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do bão gây ra.

Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành ảnh 5

Đến 9 giờ sáng nay, chiếc thuyền cuối cùng trên biển Đà Nẵng đã được người dân đưa lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Hùng

Các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam và một số tỉnh kè bên đã lên phương án chủ động triển khai sơ tán, di dời dân, tổng cộng 38.381 hộ/155.544 người của 35 huyện, thị ở các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn, cụ thể: Quảng Bình: 7 huyện, thị với 6.111 hộ/27.148 người, Quảng Trị: 10 huyện, thị với 13.121 hộ/43.680 người, Thừa Thiên Huế: 6 huyện, thị/10 xã, với 3.463 hộ/11.042 người, Đà Nẵng: 7 huyện, thị với 11.000 hộ/55.000 người, Quảng Nam: 5 huyện, thị với 4.686 hộ/18.674 người.

Cũng theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối 14 đến 16-10, trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên sẽ có mưa to đến rất to. Chính vì vậy, trong đợt này sẽ xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 2, báo động 3; có nơi vượt báo động 3. Ngoài việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão, các địa phương cũng đã lên phương án phòng chống lũ lớn. Tập trung dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men… nhằm đối phó với tình trạng bị lũ chia cắt nhiều ngày.

Mọi công tác ứng phó với bão đã hoàn thành ảnh 6

Ngay từ sáng sớm, gió bắt đầu giật mạnh ở khu vực ven biển miền Trung. Ảnh: Nguyễn Hùng

  • Ghi nhận từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị

Sáng 14-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã kiểm tra công tác PCLB số 11 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Địa phương dự báo tâm bão số 11 sẽ đi qua.

Hiện toàn huyện Phú Lộc có hơn 5.800 hộ với hơn 24.000 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đang được các lực lượng chức năng tổ chức di dời. Trước mắt, đến trưa 14-10 hơn 3.000 hộ dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp sẽ di dời đến nơi ở an toàn. Huyện Phú Lộc đã huy động 7 xe xúc, 9 xe khách, 10 xe ben, 1 xe kéo chuyên dụng, 3 thuyền máy, 2 ca nô và dự trữ 30 tấn gạo, 2000 thùng mì ăn liền, 3000 lít dầu hỏa, các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đủ cơ số thuốc... sẵn sàng ứng phó với bão. Ngoài ra, huy động 3 đại đội dự bị động viên, 1 Trung đội dân quân cơ động và mỗi xã huy động 1 trung đội dân quân tự vệ để giúp dân chằng chống nhà cửa và trực sẵn sàng ứng cứu.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, chính quyền và người dân các địa phương ngay từ chiều qua đến sáng nay, 14-10, đã nỗ lực triển khai nhiều phương án đối phó với bão số 11. Trong đó, tại xã Vinh Hiền, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung xử lý thông cống Hiền Hải để tàu thuyền vào neo đậu. Chính quyền địa phương cùng với Đồn Biên phòng 228  đã kêu gọi 65 tàu biển và 242 tàu thuyền khai thác thủy sản trên đầm phá Cầu Hai về nơi neo đậu an toàn. Đối với các hộ có người già cả neo đơn, lực lượng cán bộ chiến sĩ Đồn BP 228 cùng với dân quân xã giúp bà con chằn chống nhà cửa. Tại xã Lộc Bình, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã đã tổ chức trực 24/24 để triển khai phương án phòng chống lụt bão.

Tại xã Lộc Vĩnh, 162 tàu thuyền đánh bắt trên biển đã về đất liền và đưa vào 4 điểm neo đậu an toàn tại các thôn Phú Hải, Cảnh Dương, Bình An 1 và Bình An 2. Đặc biệt, tại sông Cảnh Dương, nơi thường xảy ra tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão đã được chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chân Mây giám sát chặt chẽ.

Tại buổi làm việc nhanh với Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão huyện Phú Lộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, vận động nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương án tập trung di dời dân vùng ven biển, đầm phá, vùng xung yếu đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 14-10; bố trí nhân, vật lực bảo vệ các tuyến đê biển, các công trình hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Sau khi làm việc nhanh với huyện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn đã thị sát công tác phòng chống bão lụt, di dời dân tại các xã vùng ven biển.

Ghi nhận của Báo SGGP Online, chính quyền và người dân Thừa Thiên – Huế đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp trước mắt để đối phó với bão số 11. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kêu gọi 1.820 phương tiện tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, hiện không còn phương tiện đánh bắt nào trên khu vực biển Thừa Thiên - Huế. Theo kế hoạch toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3.463 hộ với 11.024 nhân khẩu dự kiến cần phải sơ tán, di dời từ vùng sạt lở, vùng ven biển đến nơi an toàn. Đến trước 19 giờ ngày 14-10, phải hoàn tất công tác sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực ven biển.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo công tác đối phó với bão số 11 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo công tác đối phó với bão số 11 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Văn Thắng

Sở Công thương đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 230 ngàn lít xăng dầu sẵn sàng ứng cứu bà con bị bão lũ. Trong khi đó các hồ thủy điện đã thực hiện điều tiết mực nước hồ, thực hiện các phương án xã tràn theo chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đến trước 7 giờ sáng ngày 15-10 phải đưa mức nước các hồ về mức nước đón lũ. Các hồ chứa nước thủy lợi đã thực hiện tháo cửa van, sẵn sàng đón lũ. Hiện các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đảm bảo an toàn. Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế sẽ chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học khi có bão đổ bộ.

Đến sáng 13-10, 100% di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được đơn vị quản lý là Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế gia cố thêm gỗ chắc và ràng buộc bằng dây thừng, dây thép chắc chắn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão số 11 đổ bộ. Người dân các huyện ven biển Phong Điền, Quảng Điền tổ chức ràng chống nhà cửa và sử dụng hàng ngàn bao tải đựng cát đè mái nhà lợp tôn. Các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới chủ động xả lũ phù hợp với tình hình thực tế, đưa về mực nước đón lũ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Ngư dân Quảng Trị đang đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: Văn Nhân

Ngư dân Quảng Trị đang đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: Văn Nhân

Tương tự, tại huyện đảo Cồn Cỏ- địa phương thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Trị trong bão số 10 đã nỗ lực triển khai các biện pháp đối phó với bão số 11, chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm và lên phương án di dời khẩn cấp 100% người dân làng Thanh Niên- ngôi làng đầu tiên và duy nhất trên đảo với chủ nhân là những thanh niên của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Trị, đến nơi ở an toàn để tránh bão số 11 là trụ sở UBND huyện xây dựng cao tầng kiên cố. Lực lượng xung kích trên đảo túc trực thường xuyên, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố trong mưa bão.

  • Đà Nẵng: Triển khai ứng phó

Trong trưa nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến Đà Nẵng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 11, đặt tại trụ sở UBND thành phố Đà Nẵng nhằm xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra.  

• Tại Đà Nẵng, từ sáng sớm nay, gió đã bắt đầu giật mạnh ở những khu vực ven biển như Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê khiến cho công việc phòng chống bão của người dân trở nên hết sức khó khăn và cấp bách.

Theo ghi nhận của Báo SGGP Online tại những khu vực xung yếu, ven biển, người dân đã chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó. Tập trung người, phương tiện để kéo những tàu thuyền công suất nhỏ lên bờ tránh bão. Dùng bao cát, dây thép để chèn chống nhà cửa.

Ông Ngô Văn Hải, nhà ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), tỏ ra lo lắng: Theo dự báo thì khuya nay hoặc rạng sáng mai bão mới đổ bộ vào đất liền, nhưng bây giờ đã có gió giật mạnh như thế này thì chắc bão sẽ to lắm. Không biết căn nhà cấp bốn tôi vừa xây có chống chọi nổi với cơn bão này không mặc dù đã dùng bao cát, dây thép chèn chống từ chiều hôm qua. Cũng trong sáng nay, nhiều trường học ở Đà Nẵng đã thông báo cho học sinh nghỉ học.

Người dân phường Thọ Quang (Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) dùng bao cát, dây thép chèn chống nhà cửa. Ảnh: Nguyễn Hùng

Người dân phường Thọ Quang (Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) dùng bao cát, dây thép chèn chống nhà cửa. Ảnh: Nguyễn Hùng

S.NGUYÊN-N.HÙNG-V.THẮNG-TR.DƯƠNG-V.NHÂN

>> Bão số 11 hướng thẳng vào miền Trung

>> Bão số 11 giật cấp 13, 14 tiến vào biển Đông

>> Bão Nari vào biển Đông

Tin cùng chuyên mục