Một cảnh hai quê xứ người

Tâm lý người Việt ở Mỹ thường không thích đưa con đến nhà trẻ công lập vì ngại không được chăm sóc chu đáo theo truyền thống Việt Nam và chi phí lại đắt. Vì vậy, nghề giữ trẻ có thu nhập cũng khá ổn định nếu biết yêu thương và biết cách dạy trẻ.
Một cảnh hai quê xứ người

Tâm lý người Việt ở Mỹ thường không thích đưa con đến nhà trẻ công lập vì ngại không được chăm sóc chu đáo theo truyền thống Việt Nam và chi phí lại đắt. Vì vậy, nghề giữ trẻ có thu nhập cũng khá ổn định nếu biết yêu thương và biết cách dạy trẻ.

Chị Trang Vũ cùng chồng xa xứ cũng đã hơn 20 năm. Khi đến Mỹ, 2 con của anh chị chỉ mới học cấp 2. Thời gian trôi qua nhanh, giờ cả 2 con trai và gái của anh chị đã cho ông bà ẵm cháu nội và ngoại cùng một lúc.

Ở cái tuổi gần thất thập cổ lai hy mới có cháu đầu lòng cũng là khá muộn so với nhiều người, nhưng với kinh nghiệm chăm sóc con cái cùng với tình thương dành cho chúng, nên chị Trang Vũ không cảm thấy vất vả khi chăm sóc 2 cháu cùng lúc. Hơn nữa, khi mới rời Việt Nam sang định cư tại Mỹ, chị đã từng giữ trẻ cho bà con người Việt. Vốn tính cẩn thận, chu đáo nên các bé đều ngoan, lễ phép, nhiều gia đình cũng thích nhờ chị giữ con cháu mình.

Chồng chị trước làm công nhân, sau khi nghỉ hưu cũng phụ giúp vợ một tay nên công việc giữ trẻ cũng ổn. Các gia đình gửi con cho chị giữ xưa kia nay con cái đều đã học trường phổ thông nhưng họ vẫn thường xuyên đưa con đến nhà chị chơi như một gia đình lớn.

Vấn đề là 2 con chị ở cách nhau gần cả ngàn cây số. Chị cùng chồng và gia đình con gái ở TP Portland, bang Oregon, trong khi con trai sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại làm việc và lập gia đình tại San Jose, bang California. Chị vừa chăm sóc cháu ngoại chưa đầy 6 tháng đã phải bay xuống California chăm sóc cháu nội. Ở với cháu ngoại thì nhớ cháu nội và khi trông cháu nội lại lo cho cháu ngoại. Con gái chị sau 6 tháng nghỉ thai sản phải đi làm và thế là phó thác việc chăm nom cho ông bà nội ngoại. Thuê người thì cả nhà cũng không yên tâm nên chỉ giới hạn ở việc thuê người giúp việc nhà. Khi chị xuống California chăm sóc cháu nội thì chồng chị ở lại chăm sóc cháu ngoại những lúc bố mẹ bé đi làm và ông bà nội của cháu bận việc. Hôm nào có bố cháu ở nhà thì ông bà nội ngoại được rảnh rang.

                                                          Chị Trang Vũ vui vầy với cháu nội     

Những tưởng cứ một cảnh hai quê ngay trên xứ người như thế sẽ làm chị buồn nhưng ngược lại, chị Trang Vũ lại thấy hạnh phúc, khi được nhận “niềm vui nhân đôi” như cách chị gọi. Các cháu còn nhỏ, các con chưa nhiều kinh nghiệm nên chị nghĩ dành tình thương cho chúng là điều nên làm.

Theo chị Trang Vũ, dù là ở xứ người và ảnh hưởng văn hóa xứ người không nhỏ nhưng điều quan trọng nhất khi dạy bảo các bé là phải “tiên học lễ, hậu học văn” như ông bà ta quan niệm. Bởi vậy, các cháu chị chăm sóc trước đây rất lễ phép và đặc biệt là nói sành sõi tiếng Việt. Tâm lý người Việt ở Mỹ thường không thích đưa con đến nhà trẻ công lập vì ngại không được chăm sóc chu đáo theo truyền thống Việt Nam và chi phí lại đắt. Vì vậy, nghề giữ trẻ có thu nhập cũng khá ổn định nếu biết yêu thương và biết cách dạy trẻ. Mong muốn lớn nhất của chị là khi 2 cháu nội, ngoại cứng cáp sẽ cùng gia đình về thăm quê hương Việt Nam, chỉ cho chúng những điều hay cái đẹp nơi quê nhà. Đó cũng là động lực của chị trong công việc dạy trẻ người Việt ở xứ người: không bao giờ quên cội nguồn.

LAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục