Một cửa liên thông mà... chưa thông!

Một cửa liên thông mà... chưa thông!

Sở Nội vụ TPHCM cho biết, đến nay đã có 9/24 UBND quận huyện thực hiện cơ chế một cửa liên thông (MCLT) giải quyết 25 loại thủ tục hành chính trong các lĩnh vực “nóng” như đất đai, xây dựng, kinh doanh...

  • Giảm thời gian,tiết kiệm chi phí

Đánh giá mô hình MCLT đang thực hiện hiện nay, lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM phân tích: người dân chỉ đến 2 lần tại một cửa duy nhất là bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (TNHS-TKQ) của UBND quận, phường xã. Trước đây, để làm xong thủ tục, người dân phải đi lại 9 lần và qua 4 cửa mới hoàn thành được thủ tục.

Khi triển khai MCLT, các quận, huyện cũng đạt được kết quả tích cực: quận 3 giải quyết thủ tục về cấp số nhà, cấp phép sử dụng tạm lề đường đúng hạn 100%. Ở Củ Chi, hồ sơ được giải quyết đúng theo quy định ngày càng tăng (tính đến tháng 8-2008, tỷ lệ này là 99,17%)…

Một cửa liên thông mà... chưa thông! ảnh 1
Chờ làm thủ tục hành chính tại Sở kế hoạch - Đầu tư TPHCM.Ảnh: H.H.

Riêng các sở ngành, việc thực hiện MCLT đã tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, doanh nghiệp. Như mô hình MCLT mà UBND TP ban hành trong giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại một đầu mối là bộ phận TNHS-TKQ của Sở Tài nguyên-Môi trường từ tháng 3-2008 (đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân trên địa bàn TP), đã rút ngắn thời gian từ 1-2 năm xuống còn 20 ngày đến 40 ngày.

Mô hình MCLT giữa Sở Kế hoạch-Đầu tư, Công an và Cục Thuế TP trong giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép khắc dấu, giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế cho doanh nghiệp tại một đầu mối là bộ phận TNHS-TKQ Sở Kế hoạch-Đầu tư từ ngày 1-10-2007, giúp doanh nghiệp chỉ đi lại 3 lần, thay vì 7 lần…

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện MCLT trong các lĩnh vực này có ý nghĩa rất tích cực, tiết kiệm được chi phí, thống nhất cách giải quyết hồ sơ giữa sở ngành, quận huyện liên quan; công khai thành phần hồ sơ theo quy định, tránh được tình trạng yêu cầu bổ túc nhiều lần; giám sát chặt chẽ tiến độ giải quyết hồ sơ…

  • Vẫn còn khó khăn

Việc thực hiện MCLT bước đầu tại các đơn vị đã đem lại nhiều thuận lợi cho người dân, tổ chức, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ thì vẫn còn rất nhiều cái khó. Ví dụ như ở quận 3, trong lĩnh vực “nóng” hiện nay là cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCN QSHNƠ) và quyền sử dụng đất ở (QSDĐƠ) theo MCLT thì có đến 68,7% hồ sơ trễ hẹn so với quy định.

Quận Bình Tân thụ lý 17.079 hồ sơ cấp GCN QSHNƠ, QSDĐƠ nhưng mới giải quyết 12.733 hồ sơ, trả bổ sung 2.057 hồ sơ, đang giải quyết là 2.289 hồ sơ (trong đó trễ hạn là 1.103 hồ sơ).

Huyện Hóc Môn chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân trong 6 tháng đầu năm, hồ sơ đúng hẹn chỉ 49,1%. Huyện Cần Giờ cấp GCN QSHNƠ và QSDĐƠ đúng hẹn dưới 30%; chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng hẹn dưới 50%; tách thửa đúng hẹn dưới 50%...

Bà Thái Thị Dư, Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho rằng, trình độ cán bộ phường còn nhiều hạn chế, đôi khi hồ sơ phải bổ sung 4 - 5 lần, thậm chí có những khu quy hoạch đã được công bố công khai nhưng nhiều cán bộ phường vẫn không biết. Nếu áp dụng MCLT thì phải làm đồng bộ nhưng đội ngũ cán bộ địa phương vẫn còn lúng túng, nhất là trong việc cấp giấy tờ nhà đất.

Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cũng nhìn nhận: “Quận mới áp dụng MCLT ở 5 phường (cấp phép xây dựng), nhưng nhiều cán bộ phường chưa đạt chuẩn…”.

Trong báo cáo gửi UBND TP, Sở Nội vụ cũng phân tích khó khăn, vướng mắc khi triển khai MCLT tại nhiều đơn vị. Đó là sự không thống nhất về pháp lý thường xuyên xảy ra tại các văn bản do trung ương ban hành (nhất là lĩnh vực nhà đất); chưa có quy định về trách nhiệm giữa các đơn vị phối hợp trong quy trình liên thông.

TP chưa hướng dẫn quy chế thực hiện MCLT; cơ sở vật chất chưa được trang bị đồng bộ, hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung còn thiếu (nhất là ở phường). Vẫn còn tình trạng hồ sơ tồn đọng, quá tải và trễ hạn so với thời gian quy định tại cơ quan thuế. Người dân phàn nàn việc lập bản vẽ nhà ở - đất ở để nộp trong thành phần hồ sơ theo yêu cầu rất nhiêu khê (hiện nay việc thẩm định bản vẽ có nơi đến hơn 13 tháng)…

HỒNG HIỆP

 TPHCM: Biệt phái cán bộ thực hiện - Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính

(SGGP).- UBND TP vừa quyết định biệt phái nhiều cán bộ, chuyên viên công tác lâu năm, có kinh nghiệm từ các sở ngành như Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND TP… về Tổ Công tác thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (giai đoạn 2007-2010).

Tổ công tác có trách nhiệm kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục hành chính mà các sở ngành, quận huyện trên địa bàn TPHCM hoặc các bộ ngành trung ương không chứng minh được tính hợp pháp, cần thiết, thân thiện với người dân, doanh nghiệp; thu thập ý kiến công dân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính…

L.Đan

Quận 1: Kiến nghị thu bù... hao phí văn phòng phẩm

(SGGP).- Phó Chủ tịch UBND quận 1 Trần Vĩnh Tuyến vừa kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho quận được thu phí 1.000 đồng/tờ giấy A4 từ việc in danh sách lao động khi cá nhân, tổ chức đến nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ UBND quận, để bù chi phí văn phòng phẩm.

Quận 1 hiện đang cung cấp dịch vụ hành chính đăng ký qua mạng trực tuyến 3 lĩnh vực (đăng ký kinh doanh, trích lục bản sao hộ tịch, sử dụng lao động) để giảm thời gian đi lại cho cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, theo quy trình, để thực hiện hồ sơ đăng ký lao động qua mạng trực tuyến, cán bộ phải in 4 danh sách trình lãnh đạo phòng chuyên môn, tiền hao phí văn phòng phẩm quận phải trả thay cho người dân là: 4.000 đồng/bộ hồ sơ, lấy từ tiền tiết kiệm khoán kinh phí biên chế của quận.

L.Đan

Tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phải có chứng chỉ

(SGGP).- Theo Bộ Xây dựng, từ ngày 1-1-2009, các tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phải có chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng.

Những cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng nhưng muốn thực hiện công việc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, vẫn phải có thêm chứng chỉ nêu trên.

K.Vy

Tin cùng chuyên mục