LTS: Gần đây, thông tin về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc cho phép biên soạn, sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) được dư luận quan tâm. Sau khi trang Bạn đọc Báo SGGP đăng bài viết của tác giả Phan Văn Thạnh, nguyên Hiệu phó Trường THPT Gia Định, góp ý kiến về việc ủng hộ quan điểm nên có nhiều bộ SGK, báo tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản biện của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu 2 ý kiến dưới đây:
Thận trọng trong đổi mới tư duy
Sách giáo khoa là cụ thể hóa bộ mặt nền giáo dục của một quốc gia trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể nên cần phải có sự sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung; thậm chí phải biên soạn lại cho phù hợp với thực tế là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên việc điều chỉnh, viết lại như thế nào mới là điều đáng nói.
Thực tế đầu tiên khi vào học tập tại TPHCM (trước đó tôi học tại Hà Nội) nhiều khi tôi nói chuyện hoặc phát biểu xây dựng bài thì các bạn sinh viên miền Nam không hiểu. Có sinh viên miền Tây Nam bộ còn nói rằng “khi lên thành phố học đại học cả một thời gian dài mới hiểu được cách nói của người miền Bắc”.
Tôi nhận ra rằng, trong giáo dục cần phải chú ý đến vấn đề ngôn ngữ giao tiếp, đặc thù tập quán sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư vùng miền. Lâu nay SGK cũng như chủ trương giáo dục nước ta đã có phần duy ý chí khi chủ yếu lấy quy chuẩn giáo dục của thủ đô Hà Nội vận dụng một cách áp đặt cho nền giáo dục cả nước, đây là một hạn chế cần được khắc phục.
Thậm chí, khi tiếp cận với các di tích lịch sử văn hóa của thành phố, tôi mới biết có nhiều giá trị lịch sử văn hóa chưa được SGK đề cập một cách đầy đủ.
Theo tôi, vấn đề không phải cần một hay nhiều bộ SGK mà là chất lượng SGK đó được biên soạn như thế nào, học sinh có dễ tiếp thu không. Tôi cho rằng vấn đề đổi mới SGK tuy cần thiết song phải hết sức thận trọng nếu không thì kết quả chỉ là “khuấy nước trong ao”.
Để tránh điều này, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều người, nhiều vùng miền, địa phương đặc thù để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy vậy, tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm mở cửa cho tất cả mọi người đều có thể biên soạn SGK để giảng dạy vì xu hướng này thái quá, có thể làm cho SGK bị nhiễm “rác”.
Tuy nhiên nếu cứ “khép cửa” trung thành với một bộ SGK đến 20 năm nữa thì làm sao có thể đổi mới và tiếp nhận cái mới?
Để tháo gỡ những mâu thuẫn trên, theo tôi, Bộ GD-ĐT cần tiến hành thử nghiệm những chương trình SGK mới. Trước hết, bộ nên xây dựng các chương trình khung của từng lớp, từng bậc học, rồi kết hợp với các khu vực văn hóa đặc thù để xây dựng các bộ SGK tạm thời, vận dụng cho từng khu vực.
Trên cơ sở lấy ý kiến xây dựng của nhiều người, về cơ bản, bộ quy định tỷ lệ phần chung và phần riêng cho phù hợp với các địa phương. Tôi cho rằng hướng tới 20 năm sau, trên cơ sở tiếp nhận, cọ sát với thực tiễn, chúng ta sẽ gạn đục khơi trong để hướng đến một bộ SGK hoàn chỉnh.
CAO NGỌC QUỲNH (Cựu SV ĐHSP và SK Điện ảnh Hà Nội)
Đòi hỏi khách quan của giáo dục hiện đại
Có thể nói với một bộ SGK hiện nay không còn phù hợp với mọi đối tượng người dạy và học nữa. Bởi lẽ giáo viên và học sinh ở các vùng miền khác nhau, không chỉ không đồng đều về trình độ nhận thức và chuyên môn giảng dạy, mà còn khác nhau về “văn hóa tiếp thu” và điều kiện để biến kiến thức trong SGK thành hiện thực.
Một thực tế là học sinh ở nông thôn, miền núi hiểu biết văn hóa, truyền thống, kinh tế xã hội, danh lam thắng cảnh ở địa phương mình không nhiều bằng hiểu danh lam thắng cảnh, truyền thống… ở “cấp trung ương”, vì học sinh chỉ được tiếp thu một nội dung đã thống nhất trong một bộ SGK.
Nói như vậy không có nghĩa là SGK chỉ biên soạn những nội dung mang tính địa phương mà việc biên soạn nội dung làm sao để học sinh hiểu những giá trị văn hóa nơi mình sinh ra. Đó là nền tảng, là cốt lõi để xây dựng nhân cách văn hóa cho mỗi người.
Nói cách khác, khi đưa giáo dục hiện đại đến học sinh, trước hết phải giáo dục “văn hóa làng xã” để tạo dựng tinh thần yêu nước từ gốc cho người học.
Chúng ta đang áp dụng một bộ SGK cho tất cả các vùng miền, nông thôn, đô thị là sự “lệnh pha” trong giáo dục, mang tính áp đặt, trong khi trình độ nhận thức của các đối tượng ở các vùng miền lại khác nhau. Giáo dục là quốc sách.
Để rút ngắn khoảng cách dân trí cho miền núi theo kịp miền xuôi, nông thôn sánh vai đô thị, sự cần thiết phải đa dạng hóa bộ SGK là đòi hỏi khách quan của nền giáo dục hiện đại hiện nay.
MAI THẮNG (Vũng Tàu)