Một năm đổi mới căn bản, toàn diện đối với cán bộ, công chức

Chiều 20-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nội vụ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đối với ngành nội vụ, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt “3 đột phá, 4 trọng tâm”, tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương.

1-5595.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, những điểm nổi bật trong năm qua mà ngành nội vụ đạt được là tập trung cao cho xây dựng và hoàn thiện thể chế. Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ bảo đảm sự liên thông, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đã chủ động, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó và những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đặt ra và yêu cầu, nhiệm vụ của xu thế đổi mới và phát triển, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó là tiếp tục tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công. Tập trung hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó là cải cách mạnh mẽ về công vụ, công chức. Trong đó tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ; tăng cường thanh tra công vụ, công chức và xử lý nghiêm việc sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8% từ ngày 1-7-2023; tích cực tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TƯ Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ ngày 1-7-2024; hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức và kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2-6526.jpg
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong những kết quả đạt được, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, năm qua ngành cũng đã tập trung tham mưu triển khai quyết liệt thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Tích cực tham mưu Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương. Đổi mới căn bản, toàn diện đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

Bên cạnh đó là quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và công vụ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước.

Tuy vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thừa nhận, ngành vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ: tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm.

Trong đó, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở bộ, ngành, địa phương cũng còn hạn chế.

Tại hội nghị, các đại biểu bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung đánh giá về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của bộ, ngành nội vụ năm 2023, những khó khăn, vướng mắc… đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2024 của ngành nội vụ.

Tin cùng chuyên mục