Đó là ngày 25-7-2013 tại Washington DC, ngày quan trọng nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước tại Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trưa hôm đó, sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 30 phút so với dự kiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Cảm hứng độc lập dân tộc và chiếc cân gỗ
Trưa 25-7-2013, sau khi chờ đợi tại phòng họp báo của Nhà Trắng hơn 3 giờ, phóng viên Việt Nam và quốc tế được hướng dẫn di chuyển sang phòng Bầu Dục, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ báo chí sau hội đàm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống B.Obama. Hai vị nguyên thủ ngồi trước lò sưởi, phía sau là đoàn tùy tùng và phiên dịch. Khoảng cách giữa hai nhà lãnh đạo với cánh phóng viên báo chí chỉ là một bộ sô-pha. Cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra khoảng 20 phút trong tiếng động của những chiếc máy ảnh chụp liên tục.
Cuối phần phát biểu của mình, Tổng thống B.Obama cho biết, tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu và tặng ông bản sao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman ngày 16-2-1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Bức thư gốc hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ. Tổng thống B.Obama cũng cho biết, ông và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã bàn luận về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của Mỹ khi viết bản Tuyên ngôn độc lập đã đọc trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bức thư gửi Tổng thống Truman ngày 16-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. “Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, nếu trong 67 năm đã trôi qua có lúc có những điều xảy ra không tốt đẹp thì hôm nay và mai sau phải làm cho lịch sử đi đúng hướng. Cảm ơn ngài rất nhiều vì chuyến thăm. Và tôi trông đợi chúng ta tiếp tục hợp tác với nhau”, Tổng thống B.Obama phát biểu với báo chí.
Theo thông lệ, khi có các cuộc gặp cấp cao, hai bên thường tặng quà cho nhau. Sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống B. Obama ở Nhà Trắng cũng vậy. Quà tặng của Chủ tịch nước Việt Nam cho Tổng thống Mỹ là một chiếc cân bằng gỗ! Một món quà nhiều ý nghĩa khi xét đến vị thế và quan hệ của Mỹ và Việt Nam trong tổng thể các mối bang giao quốc tế hiện nay. Sau này, khi về nước, có dịp hỏi về ý nghĩa món quà đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói ngắn gọn: Chúng ta muốn quan hệ hai nước cân bằng và bình đẳng trên mọi phương diện.
Biển Đông trong lòng nước Mỹ
Tại cuộc hội đàm nói trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống B.Obama đã thảo luận và tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu với báo chí tại phòng Bầu Dục sau cuộc hội đàm, Tổng thống B.Obama cho biết, ông và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã thảo luận nhu cầu tiếp tục các nỗ lực giải quyết trong hòa bình những vấn đề trên biển đã xảy ra ở biển Đông và các nơi khác ở châu Á - Thái Bình Dương. “Chúng tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam làm việc với ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để chúng ta đạt được các Quy tắc Ứng xử giúp giải quyết các vấn đề này trong hòa bình và công bằng”, Tổng thống B.Obama phát biểu. Cũng tại cuộc gặp gỡ báo chí này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, sự hợp tác của 2 nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì lợi ích của 2 nước cũng như ở khu vực ASEAN và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Trên từng vấn đề hết sức thẳng thắn, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận sẽ tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước. Sẽ tăng cường nâng cấp một cách hợp lý và cần thiết cơ chế đối thoại của các cấp. Tôi cho rằng, đây là cơ sở quan trọng tạo sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tất cả các lĩnh vực”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết.
Trước khi đến và phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Chủ tịch Thường trực Thượng viện - Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Tại đây, Thượng nghị sĩ P.Leahy tái khẳng định việc Thượng viện Mỹ phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực hay các biện pháp cưỡng ép trong giải quyết các tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)...
Cuộc gặp cuối ngày
Tối 25-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Washington D.C đi New York. Ngay khi tới New York, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp thân mật với gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại khách sạn Intercontinental. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn tình cảm hữu nghị của vợ chồng cựu Tổng thống và cựu Ngoại trưởng Clinton, đánh giá cao những đóng góp to lớn của ông bà đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Ông bà Clinton cho biết vẫn thường xuyên theo dõi tình hình khu vực và quan hệ Việt Nam - Mỹ, đồng thời khẳng định, việc Việt Nam và Mỹ xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của quan hệ hai nước mà còn đối với cả khu vực và thế giới. Bill Clinton là Tổng thống thứ 42 của Mỹ, người quyết định bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam thống nhất vào năm 2000. Còn bà Hillary Clinton là người đã thăm Việt Nam 3 lần trong nhiệm kỳ làm Ngoại trưởng và đặc biệt là người đã đề xuất và theo đuổi việc xác lập khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước, thúc đẩy việc hỗ trợ thực chất cho Việt Nam trong vấn đề da cam/dioxin, đề xuất sáng kiến hợp tác giữa các nước hạ nguồn sông Mekong… Họ không phải là những người lạ, thậm chí là những người bạn của Việt Nam, đã có nhiều đóng góp rất lớn trong quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa 2 nước đến tầm cao hiện nay.
TRẦN LƯU