Tình nguyện viên đồng hành cơ sở
Sáng đầu tháng 7, bà Huỳnh Thị Bảy (69 tuổi) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Nhơn (TPHCM) làm hồ sơ nhà đất. Thấy bà Bảy khập khiễng những bước khó khăn, 2 thanh niên tình nguyện đang hỗ trợ người dân thực hiện TTHC lập tức chạy ra hỗ trợ bà qua các bậc thềm để vào trong rồi tận tình hướng dẫn các bước nộp hồ sơ.
“Vừa tới cổng đã có mấy cháu sinh viên đỡ tôi lên, hỏi han cặn kẽ rồi hướng dẫn từng bước làm giấy tờ nhà đất. Tận tình quá chừng!”, bà Bảy chia sẻ.
Bà Bảy là một trong hàng ngàn người dân lớn tuổi được các tình nguyện viên hỗ trợ khi đến trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã thực hiện TTHC. Không chỉ hỗ trợ người dân thực hiện hồ sơ trực tiếp, 82 sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công TPHCM còn hỗ trợ người dân các khâu liên quan đến chuyển đổi số, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Kim Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng, việc phối hợp tiếp nhận sinh viên tình nguyện cùng với thanh niên phường Diên Hồng hỗ trợ tại địa phương không chỉ giúp địa phương giải quyết áp lực công việc mà còn tạo môi trường rèn luyện cho các sinh viên.

Không chỉ có sinh viên tình nguyện, các lực lượng đoàn viên, chiến sĩ trẻ của Công an TPHCM cũng vào cuộc mạnh mẽ. Ba đội hình xung kích “Đồng hành cùng địa phương” của Ban Thanh niên Công an TPHCM phối hợp Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM trực tiếp hỗ trợ người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các phường: Sài Gòn, Bàn Cờ và Hòa Hưng.
Theo đó, tuổi trẻ Công an TPHCM hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: đăng ký, cài đặt bổ sung, cập nhật các ứng dụng cần thiết để sử dụng trong thực hiện dịch vụ công.
Đại úy Võ Thị Bích Phương, Phó Trưởng trưởng Ban Thanh niên Công an TPHCM, cho biết, lực lượng thanh niên hỗ trợ người dân đăng ký, cập nhật thông tin, cài đặt ứng dụng cần thiết như VNeID để phục vụ các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, trong đợt cao điểm 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân và cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, thanh niên Công an TPHCM hướng dẫn người dân tích hợp thông tin hôn nhân lên ứng dụng để tiện tra cứu và sử dụng.
Thúc đẩy chuyển đổi số qua từng thao tác
Hơn 2 tuần qua, hàng ngàn chiến sĩ tình nguyện là đoàn viên thanh niên, sinh viên nhiều trường trên địa bàn TPHCM đã có mặt tại các phường, xã, đặc khu để hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC đơn giản như: đăng ký tạm trú, hướng dẫn cài đặt, cập nhật và sử dụng các tính năng trên ứng dụng VNeID, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Không chỉ ở các trung tâm hành chính, các tình nguyện viên còn lập đội hình “đến tận nơi, hỗ trợ tại nhà” cho người già neo đơn, người khuyết tật, không thể tự đến trung tâm hành chính công của phường. Nhiều tài liệu trực quan như: infographic, video, sổ tay hướng dẫn đã được các bạn trẻ phát hành đến các khu dân cư.
Ngoài ra, các “Lớp học kỹ năng số” cũng được tổ chức để hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh an toàn.
Đại úy Võ Thị Bích Phương cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện TTHC, các đội hình xung kích còn đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là giả danh cán bộ, công chức để chiếm đoạt tài sản. Đoàn viên cũng hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng cảnh báo an ninh và phòng cháy như Help 114, SOS An ninh trật tự - Hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Công an TPHCM và các ứng dụng nhận diện đầu số rác, quảng cáo không chính thống.
Theo Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Lê Tuấn Anh, từ ngày 7-7 đến 30-8, Thành đoàn TPHCM phát động chiến dịch tình nguyện hỗ trợ tại 168 Trung tâm Phục vụ hành chính công xã, phường, đặc khu. Các đội hình Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh… làm việc từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày để hỗ trợ nhập liệu, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công cũng như tuyên truyền phòng chống lừa đảo đến người dân.
Việc huy động thanh niên tham gia hỗ trợ tại các địa phương không chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt của địa phương và người dân, mà còn góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số trong thời kỳ mới.
Bí thư Đoàn Học viện Cán bộ TPHCM Lê Bá Hưng chia sẻ, ngay từ khi TPHCM tổ chức vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Đoàn Học viện đã cử hơn 260 sinh viên đội hình Tập sự phục vụ nhân dân, tham gia hỗ trợ các địa phương giải quyết các TTHC.
Giai đoạn 1, đội hình ra quân từ ngày 28-6 đến 15-8, hỗ trợ tại 15 phường và 4 tòa án khu vực trên địa bàn TPHCM. Đội hình tham gia giải quyết hồ sơ cho người dân, hướng dẫn người dân các thủ tục, thông tin cần thiết trên VNeID; cùng cán bộ, công chức hỗ trợ giải quyết từng hồ sơ trên cơ sở hướng dẫn trực tiếp của cán bộ, công chức địa phương…
Sắp tới, Đoàn sẽ rà soát sinh viên thường trú tại các phường, xã, đặc khu ở xa trung tâm TPHCM để triển khai đội hình về hỗ trợ.