Các biện pháp và quy định về phòng chống dịch bệnh cơ bản đã có trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là ở trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, Chính phủ vẫn cần Quốc hội cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp mạnh mẽ trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Như vậy, với quyết nghị đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ được linh hoạt áp dụng các hình thức văn bản thuộc thẩm quyền, như nghị định, nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Các biện pháp áp dụng trực tiếp trong phòng chống dịch Covid-19, bao gồm một số biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh; các vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vaccine, an sinh xã hội; một số vấn đề về tài chính, ngân sách và mua bán trang thiết bị, vật tư y tế...
Quốc hội cũng cho phép trong trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật mà trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì các cuộc làm việc với một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cả ban đêm để kịp bổ sung vào chương trình kỳ họp.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây là trường hợp đặc biệt trong tình huống cấp bách, nên việc giải quyết của Quốc hội cũng theo trình tự rút gọn, đặc biệt. Có thể nói, trong thời bình, đây là lần đầu tiên Quốc hội xử lý một tình huống như vậy vì đất nước đang ở trong một tình thế cấp bách.
Khi Chính phủ trình nội dung này ra Quốc hội, ngay lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các ĐB đều mong muốn Chính phủ được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn để có thể quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, có cơ sở pháp lý vững chắc khi công tác phòng chống dịch đang rất cấp bách.
Nhiều ĐBQH đã đánh giá, đây là nghị quyết mang tính lịch sử của Quốc hội, ban hành trong thời điểm lịch sử và cho một giai đoạn cũng rất lịch sử. Với sứ mệnh như vậy, các ĐB đều tin nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp Chính phủ có đủ sức mạnh để chỉ đạo chống dịch thành công lần này.
Một vấn đề mà các ĐBQH cũng rất trăn trở, đó là chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép. Nhưng có thể thấy rõ, tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung rất khó khăn. Nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau.
Do vậy, lúc này rất cần sự tiết kiệm chi để có thêm nguồn lực chống dịch. Các cấp, ngành cần tính toán để tiết kiệm tối đa khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, giảm thiểu các hội họp, hội thảo, những đoàn công tác đông người, tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thiết thực, không trọng điểm...
Nguồn tiết kiệm được đó tập trung dành để mua vaccine cũng như sản xuất vaccine trong nước; bố trí đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho hệ thống phòng chống dịch trong cả nước, chăm lo cho tuyến đầu chống dịch. Đây cũng là nội dung được nghị quyết Quốc hội nêu rất rõ.
Và, chỉ có như thế, chúng ta mới tạo thành thế trận phòng chống dịch Covid-19 toàn diện, phủ kín cả nước và có thể nhanh kiểm soát dịch, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.