Giá cước cuộc gọi di động giữa các nhà mạng sẽ tiếp tục giảm
Kể từ ngày 1-5-2018, quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng Mobifone, Vinafone, VietnamMobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile), mạng di động gọi đi phải trả cho nhà mạng này 440 đồng/phút. Trước đây, giá cước kết nối dao động từ 500 đồng - 550 đồng/phút. Như vậy, mức cước mới sẽ giảm 20% so với mức cước hiện hành.
Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng điện thoại cố định nội hạt vào di động cũng đã được quy định rõ. Theo đó, mạng điện thoại cố định nội hạt thực hiện cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút. Giá cước nêu trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT ngày 29-12-2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông với tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ thông tin di động...
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán lên đến 100 triệu đồng
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 50.000.000 đồng đối với cá nhân (tăng 20.000.000 đồng) và 100.000.000 đồng đối với tổ chức (tăng 40.000.000 đồng), theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-5-2018 ) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập và thay thế Nghị định 105/2013/NĐ-CP.
Chi tiết mức xử phạt đối với từng hành vi được quy định tại Chương II Nghị định này, theo đó, cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần đối với cá nhân.
Hướng dẫn mới về khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Theo Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC, kể từ ngày 1-5-2018 các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
- Bổ sung thêm các khoản trích khấu hao tài sản cố định không được trừ đối với trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng (một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp).
- Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
- Tăng mức chi được trừ khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,… lên tối đa 3 triệu đồng/tháng/người; nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu (đã nêu rõ trong Thông tư).
Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước ASEAN
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 04/2018/TT-BCT bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17-5-2018.
Cụ thể, từ 17-5-2018, không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng muối và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước ASEAN; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu D theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, việc nhập khẩu muối và trứng gia cầm từ các nước ASEAN không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố lượng hạn ngạch thuế quan và quy định nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan muối và trứng gia cầm hàng năm.
Điều kiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20-5-2018, các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng.
- Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
- Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định này áp dụng cho các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10-12-2015.
Dự án phục vụ nhân dân được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn
Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2018.
Theo đó, điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn là khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án (1) phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng… (2) triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; (3) đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.
Mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan cũng đã có công thức để xác định rõ.