Một thời con gái nơi tuyến lửa

Câu chuyện tháng ba về một nửa thật đẹp của thế giới, trong đó có những đại diện không chỉ đẹp mà còn sống mãi trong lòng người, dù là năm tháng nào… Đó là những cô gái đã để lại tuổi xuân năm ấy cho tuyến lửa 1C, vì một ngày non sông thống nhất.

Tiếc gì tuổi xanh

Tháng 7-1967, do tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị đánh phá ác liệt, một tuyến đường trên bộ với mật danh 1C đã được thành lập nhằm chuyển vũ khí từ Campuchia về chiến trường Tây Nam bộ. Đường 1C là một hệ thống đường cả bộ và thủy kéo dài từ kênh Vĩnh Tế (Kiên Giang) giáp biên giới Campuchia về đến U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau). Hơn 13.000 tấn vũ khí, trên 30.000 người đã được vận chuyển, di chuyển qua tuyến đường này. Khoảng 400 nữ TNXP đã nằm xuống trên đường 1C và hơn 300 người khác bị thương.

$6a.jpg
Buổi giao lưu “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C” do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức, với sự góp mặt của các cựu nữ TNXP

Bà Nguyễn Xuân Phấn (là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị May), giữ chức vụ Trung đội trưởng của Liên đội II Thanh niên xung phong (TNXP), nhớ lại: “Con gái tuổi trăng tròn trước khi đi TNXP ai cũng tóc dài bóng mượt, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn tham gia dẫn đường, chiến đấu trên tuyến 1C, chị em chúng tôi không ai dám chải đầu, vì chải thì tóc sẽ rụng từng nắm, không dám soi gương hay thậm chí soi mặt mình dưới nước vì mặt ai cũng tàn tạ, xác xơ… Tóc khô cứng, chúng tôi lấy mỡ bò bôi lên cho suôn và dùng băng đạn làm lược chải tóc. “Cái răng cái tóc là góc con người”, nhưng giờ thì đẹp hay xấu cũng không còn quan trọng nữa, thế là chúng tôi quyết định cắt tóc ngắn cho đỡ vướng víu để mà làm nhiệm vụ, để mà đỡ xót xa khi nhìn bóng mình dưới nước”.

Ngày hôm nay cùng ngồi ôn lại những ký ức về một thời khói lửa đã qua là một may mắn rất lớn của những người đi qua cuộc chiến. Bà Đoàn Thị Hồng Thắm (nguyên Tiểu đội Trưởng TNXP) chia sẻ: “Người đồng đội của tôi là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hồng Láng, năm 1968, trong một lần vận chuyển vũ khí, chị bị địch phát hiện và vây bắt. Địch muốn chị phải sống để khai ra kho đạn dược và nơi đóng quân của Liên đội TNXP hòng dập tắt tuyến đường vận chuyển hàng chiến lược, nơi quyết định vận mạng của chiến trường miền Tây Nam bộ. Để tránh rơi vào tay địch, chị Hồng Láng đã cắn lưỡi quyên sinh để bảo vệ đồng chí, đồng đội của mình và tuyến đường huyết mạch”.

Người nằm xuống thành hoa trên “tuyến lửa”

Biết được tầm quan trọng sống còn của tuyến đường 1C, địch tung mọi lực lượng nhằm ngăn chặn, hủy diệt tuyến đường này. Chúng tấn công ác liệt đến mức độ nhiều người đã phải ví von 1C là “nơi sắt thép tan chảy”. Thế nhưng, suốt từ khi được thành lập cho đến ngày đất nước thống nhất, non sông thanh bình, tuyến đường 1C vẫn luôn được đảm bảo duy trì, góp phần vào thắng lợi chung và câu ví von đó sau này đã trở thành “sắt thép tan chảy nhưng con người qua được”.

Để làm nên tuyến lửa 1C huyền thoại đó, hàng trăm “bông hoa” đã ngã xuống khi hầu hết tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Có những cái chết thật đau thương, người may mắn thì được đồng đội chôn cất, ai không may thân xác trôi dạt, nằm lại đâu đó trên dòng sông quê hương. Cũng có chị sau này tìm lại được, nhưng rất nhiều chị chỉ còn lưu lại dòng tên trên bia tưởng niệm tuyến đường lịch sử.

Gia đình có 8 anh em, nhưng chỉ một mình bà Phạm Tuyết Hồng (bí danh Hồng Phương, TNXP tỉnh Cà Mau) đi TNXP khi mới 15 tuổi. Bà tham gia TNXP 1C với vai trò là một y tá, ở Đại đội Nguyễn Việt Khái 2, Cà Mau. Ở cái tuổi chưa chạm ngõ đôi mươi, không ít cô vào TNXP nhưng tính tình thiếu nữ sợ bóng tối, sợ ma. Ấy vậy mà giữa nỗi sợ và tình đồng đội, cô gái thanh xuân năm ấy đã trở nên kiên cường.

Bà Hồng Phương bùi ngùi nhớ: “Vào khoảng 4 giờ chiều một ngày của năm 1967, 4 chiếc trực thăng phát hiện đội TNXP đang chuyển hàng tại khu vực Gộc Xây, Hà Tiên. Chị Ba Phiên (tên thật là Phạm Thị Phiên, Trung đội trưởng) cao lớn, khỏe nhất đội, di chuyển phía trước đã bị thương vào đầu, gục xuống. Tôi và nữ y tá Thái Thu Hà băng bó cho chị Phiên, cả người hai chúng tôi ướt đẫm máu từ vết thương của chị. Do bị thương quá nặng, chị Ba Phiên đã không qua khỏi.

Vì đơn vị phải chuyển hàng đi trong đêm nên phân công tôi ở lại giữ xác chị Ba Phiên, chờ đơn vị sau đến phụ chôn cất. Trước đây, tôi vốn nổi tiếng nhát và sợ ma, nhưng đêm ấy, tôi giăng mùng cho thi hài chị Ba đỡ lạnh và tránh bị côn trùng bu lại, bản thân thì ngồi cạnh canh chừng giữa đêm tối mịt mùng. Lúc đó, tôi không còn biết sợ là gì, trong suy nghĩ chỉ muốn làm sao để đồng đội dù đã hy sinh vẫn có thể an ủi phần nào”.

Lớp người ngã xuống để muôn đời sau non sông, đất nước một dải bình yên, những câu chuyện của phái đẹp trong ngày tháng ba mãi là sự trân trọng, tự hào và biết ơn những đôi tay “chỉ dành để làm đẹp cho đời” nhưng vì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Tin cùng chuyên mục