Với hàng loạt dự án điện đã và đang được gấp rút hoàn thành, ngành điện mạnh dạn dự báo rằng vào mùa khô 2015 ở miền Nam sẽ đảm bảo nguồn cung, không xảy ra tình trạng thiếu điện.
TPHCM không thiếu điện
Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM có diện tích hơn 900ha, trong đó hầu hết doanh nghiệp đầu tư sản xuất những sản phẩm đặc thù, kỹ thuật cao trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đặc biệt đa phần máy móc vận hành 24/24 giờ mỗi ngày, nên việc cung ứng nguồn điện luôn phải đảm bảo xuyên suốt, chất lượng cao. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu mới đi vào hoạt động, nơi đây đã được ngành điện đầu tư 3 trạm 110kV và các doanh nghiệp được cấp điện thông qua 2 trạm ngắt nhằm đảm bảo chế độ vận hành xuyên suốt. Tuy nhiên, từ khi dự án giai đoạn 2 của KCNC đi vào hoạt động, mặc dù công suất nguồn hiện tại vẫn cơ bản đủ nguồn cung điện, song hệ số dự phòng chưa cao. Do vậy, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đang triển khai đầu tư tiếp tại đây trạm 220/110kV và các đường dây 220 - 110kV liên kết cung cấp điện cho khu vực giai đoạn đến 2020. “Với việc đầu tư nguồn điện mới, thời gian qua khu vực này hiếm khi xảy ra tình trạng cúp điện. Nhờ vậy, máy móc vận hành xuyên suốt nên không còn xảy ra tình trạng lỗi ở các sản phẩm hoặc sản xuất bị ngưng trệ”, Trưởng phòng Bảo trì Công ty Nidec Việt Nam Lưu Kim Hồng nhận xét.
Phó ban Quản lý KCNC Lê Thành Đại cho biết, thời gian qua ngành điện, các cơ quan quản lý rất quan tâm và đã đầu tư hệ thống điện trong KCNC đảm bảo nhu cầu của nhà đầu tư. “Việc cung cấp điện ổn định, đảm bảo chất lượng điện năng đã góp phần gia tăng việc thu hút đầu tư vào KCNC”, ông Đại nói.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC Phạm Quốc Bảo, không chỉ các khu vực tiêu thụ điện trọng điểm như KCNC, mà đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã đầu tư đảm bảo nhu cầu phụ tải, có dự phòng cho toàn địa bàn. Đó cũng là lý do vừa qua EVN HCMC đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép giãn hàng loạt tiến độ dự án điện nhằm tránh lãng phí. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà máy điện khu vực phía Nam đã và đang đưa vào sử dụng trong năm 2014 sẽ gia tăng thêm nguồn cung, do đó mùa khô 2015 đảm bảo đủ điện.
“Riêng địa bàn TPHCM, ngoài việc ngành điện đầu tư mới, những năm gần đây người dân cũng như doanh nghiệp thực hiện rất tốt công tác tiết kiệm điện. Riêng năm 2014, cả địa bàn TP tiết kiệm khoảng 4% trong tổng số điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, thời gian gần đây việc thu hút đầu tư cũng có chọn lọc, chủ yếu những nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, ít tiêu tốn điện năng, nên sản lượng không tăng nhiều. Qua đó, có thể dự báo TPHCM không thiếu điện trong mùa khô 2015”, ông Phạm Quốc Bảo khẳng định.
Công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra an toàn hệ thống truyền tải bảo đảm cung cấp điện miền Nam. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Chi viện từ Bắc vào Nam
Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng cho biết, để đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2015 và các năm tới cho các tỉnh phía Nam, EVN đã và đang triển khai nhiều công trình về nguồn, lưới điện truyền tải. Cụ thể, khu vực miền Nam có các dự án nguồn điện cấp bách như: Cụm nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải và nhiệt điện Ô Môn 1 - TM2... Đối với lưới điện truyền tải, EVN đã thực hiện khối lượng đầu tư xây dựng rất lớn để nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Nam, cung cấp điện cho miền Nam như: Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; đường dây 500kV Phú Lâm - Ô Môn, đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây… Qua đó, góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện cho khu vực miền Nam.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), điện thương phẩm trong năm tới sẽ tăng khoảng 11,5% trong khi tần suất nước về các hồ chứa ở mức 65% so với cùng kỳ. Trước tình hình này, kịch bản huy động các nguồn tuabin khí và nhiệt điện than miền Nam được huy động cao trong cả năm. Tuy nhiên, trong năm tới, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu. Bởi đến nay sản lượng điện dự phòng ở miền Bắc tương đối cao, có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải miền Nam. Theo tính toán của A0, sản lượng truyền tải cả năm dự kiến theo chiều Bắc - Nam là 10,426 tỷ kWh (năm 2014 là 7,306 tỷ kWh); đối với chiều Trung - Nam là 17,154 tỷ kWh (năm 2014 là 13,713 tỷ kWh). Còn trong trường hợp kịch bản xấu nhất do phụ tải tăng cao, lượng nước về thấp thì cần huy động ở mức cao nhiệt điện dầu trong mùa khô.
“Thực tế, năm nay miền Trung lượng nước về các hồ thủy điện thấp do mưa ít. Đây cũng là khó khăn khi nguồn cung điện khu vực này có thể không phát huy hết công suất. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, sẽ chi viện nguồn điện từ miền Bắc vào miền Nam. Việc truyền tải này cũng khá thuận lợi do thời gian qua ngành điện đã đầu tư cho hệ thống truyền tải 500kV Bắc - Nam”, Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN Cao Quang Quỳnh phân tích.
Để phòng ngừa trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN lên kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cân đối, đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao cho các nhà máy điện tuabin khí, ưu tiên sử dụng phát điện theo kế hoạch huy động của A0.
Lạc Phong