Sau một thời gian vượt qua thử thách, dù khách ít, hay nhiều vẫn diễn đều đều mỗi ngày, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM đã dần tạo dựng được uy tín với nhiều công ty lữ hành. Nhờ thế, dịp Tết Canh Dần 2010, lượng khách đến xem múa rối nước đông hơn, tạo cảm xúc thăng hoa cho những nghệ sĩ…
1. Khi mới ra mắt (vào tháng 8-2007), với tiêu chí duy trì mỗi ngày 2 suất diễn để dễ dàng phục vụ khách du lịch, đã không ít người e ngại nhà hát đang mạo hiểm. Thế nhưng, sau một thời gian bền bỉ thực hiện, đến nay, nhà hát đã trở thành điểm hẹn đối với khách du lịch.
Những ngày đầu năm mới Canh Dần 2010, nếu có dịp đến Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM, hòa cùng những đoàn du khách, sẽ càng cảm nhận sâu sắc hơn sức hút của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Anh Alex, một du khách Mỹ, sau khi xem tiết mục Múa phượng với cảnh đôi phượng đẻ trứng, nở con, cùng nhảy múa tung tăng hạnh phúc bên nhau trong hồ nước nhỏ, cười tươi thích thú nói với bạn bè: “Thật tuyệt!”.
Rất nhiều du khách đến từ các nước khác nhau, sau khi xem xong chương trình đều đứng dậy vỗ nhiều tràng pháo tay tán thưởng. Đó chính là phần thưởng cao quý dành cho các diễn viên, làm cho họ càng thăng hoa hơn. Sự thành công của Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM, ngoài sự đầu tư của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, còn phải kể đến các diễn viên ẩn mình sau bức mành thưa. Họ là ai?
2. Có người cho rằng diễn viên múa rối là những người sướng nhất, khi biểu diễn chẳng phải son phấn, cũng không cần đầu tư nhiều cho trang phục… Điều này chẳng sai. Nhưng bên cạnh những cái sướng ấy còn đi kèm theo nỗi buồn của nghề. Khi biểu diễn, các diễn viên luôn là những người ẩn mình sau tấm mành thưa, nhường chỗ cho sự xuất hiện của các con rối, chú Tễu... Trong một suất diễn, họ chỉ một lần xuất hiện ở phần cuối chào tạm biệt khán giả. Chính vì thế, với nhiều diễn viên, nghề múa rối dường như đã trở thành cái nghiệp.
Nữ diễn viên duy nhất của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM Trần Thị Thục Bình tâm sự: “Trước khi trở thành diễn viên múa rối em học ngành tài chính kế toán và đã đi làm ở một công ty thủy sản được 3 năm. Sau đó, trong một lần đến xem người chị biểu diễn múa rối ở Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM bỗng dưng em thấy thích, rồi học nghề và theo nghề này đến nay cũng đã 14 năm”.
Diễn viên Bùi Tấn Đạt năm nay 39 tuổi nhưng đã có đến 15 năm theo nghề múa rối nước. Anh chia sẻ, lúc đầu học hát cải lương ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM), trong một lần vào Đầm Sen xem người thân biểu diễn múa rối, thấy cầm tay sào điều khiển con rối hay hay, vậy là anh thử sức và theo nghề cho đến nay. Trước khi về cộng tác với nhà hát, nghề múa rối thu nhập bấp bênh, có khoảng thời gian anh đành chia tay với những con rối, tìm nghề khác kiếm kế sinh nhai nhưng rồi sức quyến rũ của rối nước và lòng yêu nghề đã thôi thúc anh trở lại. Ngồi trò chuyện, anh đưa đôi bàn tay chai sần ra như minh chứng rằng: “Nghề này vất vả lắm, đòi hỏi phải có thể lực tốt mới có thể cầm được cây sào - con rối nặng 8 - 9kg quơ tới quơ lui dưới nước. Chưa kể, mỗi khi biểu diễn phải ngâm mình dưới nước mặc cho thời tiết nóng hay lạnh”.
Chia sẻ và cảm thông với anh em diễn viên ẩn mình của nhà hát, đạo diễn Châu Hùng Lâm, quản lý nhà hát, thổ lộ: “Một khi chấp nhận theo nghề này thì rất khó bỏ. Trước đây, sau hơn 10 năm đi diễn rối nước tôi dừng lại rẽ sang học đạo diễn và cũng đi làm nhiều nơi nhưng cuối cùng chẳng hiểu sao cũng lại trở về với rối nước. Từ ngày gầy dựng nên nhà hát, được sống với nghề tôi cảm thấy rất thoải mái”.
Hiện nay, với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng, các diễn viên ẩn mình này có thể sống được với nghề nhưng anh em đang rất trăn trở trong việc đi tìm những trò diễn mới. Đó là một thử thách không dễ dàng chút nào…
…Tiếng trống, tiếng đàn của dàn nhạc lại vang lên những đôi bàn tay của các diễn viên cầm cây sào - con rối lại thoăn thoắt di chuyển dưới hồ nước… Cứ thế, với đam mê, tâm huyết của mình, họ đã làm Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM nói riêng và loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước nói chung ngày càng thăng hoa…
Hiện nay, các diễn viên Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM đang trình diễn 17 trò rối truyền thống. Đạo diễn Châu Hùng Lâm, quản lý nhà hát cho biết, với chương trình này, ngoài 2 suất diễn cố định lúc 18 giờ 30 và 20 giờ, nhà hát sẵn sàng tăng cường suất diễn theo yêu cầu để dễ dàng phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách. |
Đỗ Hạnh