Vào thời điểm cuối tháng 11 này, các nông hộ vùng Đông Nam bộ đang vào vụ thu hoạch cà phê 2015 - 2016. Do thời tiết nắng hạn từ đầu năm nên năng suất ở nhiều nhà vườn không cao. Thêm vào đó, cà phê rớt giá trong những ngày qua khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên.
Nỗi buồn mất mùa
Trở lại huyện Bù Gia Mập - địa phương trồng chuyên canh cà phê lớn nhất, nhì tỉnh Bình Phước vào mùa thu hái, chúng tôi cảm nhận không khí lo lắng, lặng lẽ đang bao trùm các nhà vườn, rất khác với cảnh nhộn nhịp của niên vụ trước. Chúng tôi gặp ông Lê Văn Phương, một nông dân trồng gần 2ha cà phê ở xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) đang tuốt trái chín trong vườn, ông Phương cho biết: “Vì nắng hạn, cà phê vụ này chín sớm hơn mọi năm, làm đảo lộn thời gian thu hoạch. Giá đầu vụ như lúc này chỉ 5.000 đồng/kg quả tươi. Với tiền thuê nhân công thu hái khoảng 2.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc… coi như bà con nông dân chúng tôi lỗ nặng”.
Mùa thu hoạch cà phê kém vui ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của gia đình, bà Phạm Thị Thế ở xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), than thở: “Do thiếu nước tưới trong thời gian chăm sóc nên vườn cà phê nhà tôi năng suất không cao. Khi cà phê chín, hái xuống mới biết trong chùm quả có quá nhiều hạt lép. Năm nay ít mưa, bón phân không đủ định suất nên cà phê quả nhỏ. Theo ước tính, năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, thấp hơn vụ cà phê năm ngoái (3,5 tấn/ha)”. Nhận định chung của các nhà vườn tại hai huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), năm nay năng suất cà phê giảm rất nhiều so với niên vụ trước. Lão nông Nguyễn Thanh Tích ở thôn 8, xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), ngao ngán: “Chưa năm nào năng suất giảm 50% như năm nay. Cà phê chín không đều, mất công thu hoạch”. Theo ông Tích, với diện tích canh tác 2ha, năm nay thu chỉ thu được hơn 3 tấn cà phê nhân, hiện cả gia đình đang điêu đứng vì giá quá thấp, tiết kiệm lắm may ra hòa vốn.
Mùa khô năm 2015 đến sớm và khắc nghiệt hơn khiến nhiều nhà vườn phải tổ chức tưới cà phê ngay trong thời điểm thu hoạch, thay vì sau vụ thu hoạch cả tháng như trước đây. Nông dân không chỉ tốn thêm rất nhiều công và chi phí để tăng cường tưới tiêu cho cây cà phê, vì thời tiết này lại thuận lợi cho sâu bệnh, nhất là rệp sáp xuất hiện nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Ông Nguyễn Thế Đạt, một trong những nông dân giỏi có nhiều năm gắn bó với cây cà phê tại xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), cho biết: “Dù tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động nhưng do nắng nóng quá gay gắt, tôi phải tưới tay để bổ sung đủ lượng nước cho cà phê bung hoa, đậu trái. Chi phí phân bón, nhân công đội lên rất nhiều nhưng năng suất vườn cà phê vẫn giảm mạnh. Vụ này không có lãi, nông dân không có vốn tái đầu tư, như vậy vườn cà phê sẽ lại tiếp tục giảm năng suất trong vụ tới”.
Và rớt giá
Để cảm nhận được vị “đắng” của niên vụ cà phê đầy thảm hại này, chúng tôi về huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của khu vực Đông Nam bộ tìm hiểu thêm sự tình. Đi qua những vườn cà phê trái chín đỏ trên cây, ánh mắt bà con nông dân cũng… đỏ ngầu khi nhìn thấy khách lạ đến thăm. Nông dân Dương Văn Sơn, ngụ ấp 1, xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) trải tấm bạt sơ sài dưới vườn cà phê, ngồi tuốt trái với nét mặt ủ rủ vì vụ cà phê năm nay, 2,5ha canh tác năm thứ 12 của gia đình ông tính ra thu không đủ bù chi. Hiện ông lo lắng nhất là số tiền phải trả nợ ngân hàng đang đến gần khi năm 2015 sắp hết. “Giá cà phê nhân năm ngoái ổn định 42.000 đồng/kg thì nay giảm chỉ còn 34.000 đồng/kg.
Những năm trước, bà con nông dân vay ngân hàng nông nghiệp để đầu tư cho vườn cà phê, đến kỳ hạn trả nợ rất sòng phẳng. Còn giá như hiện nay, nếu thu hoạch xong và trả nợ hết ngân hàng thì gia đình cũng… hết tiền để sống và tái đầu tư vườn cây. Tôi rất mong ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ để hỗ trợ nông dân trong niên vụ cà phê này”.
Theo ghi nhận, ngay những ngày đầu vụ thu hoạch, giá cà phê nhân xuất khẩu đột ngột giảm mạnh và liên tục giảm trong những ngày qua, từ 1.703 USD/tấn rồi xuống 1.689 USD/tấn và hiện tại chỉ còn 1.595 USD/tấn. Giá giảm bất ngờ khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người trồng cà phê thấp thỏm lo âu. Với tình hình này, thật sự bà con nông dân lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bán cũng không xong mà tiếp tục trữ cà phê lại phập phồng, hồi hộp không biết giá có còn giảm nữa hay không! Giá cà phê thấp nhưng thương lái cũng không vội vàng thu mua vì biết lượng cà phê của niên vụ trước còn tồn trong dân, kể cả lượng trữ của họ cũng còn khá lớn và đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong 10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê của Đồng Nai chỉ được 215.000 tấn, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quy luật của thị trường nông sản ở nước ta là được mùa - mất giá hoặc mất mùa - được giá, nhưng vụ này mất cả “chì lẫn chài”. Để giúp người trồng cà phê giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thu mua tạm trữ cà phê để đẩy giá lên cao hoặc hỗ trợ trực tiếp người dân bằng cách giãn thời gian trả nợ ngân hàng, chờ giá cà phê lên mới bán hoặc được vay thêm vốn để tái đầu tư vườn cây.
| |
Đức Trung