Miền Bắc vừa xuất hiện một đợt mưa tuyết có lẽ là kỷ lục và lạ lùng nhất từ trước đến nay ở nước ta kể từ khi có các số liệu quan trắc khí tượng. “Lạ lùng” vì gần như ở Sa Pa (Lào Cai) cũng như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - hai địa điểm có độ cao nhất cả nước - cũng chưa từng xảy ra hiện tượng tuyết rơi thành từng bông trắng và trải cả thảm dày, kéo dài hàng chục giờ, tạo một cảnh tượng chẳng khác ở châu Âu, Hàn Quốc… ngay giữa Việt Nam. Thậm chí, ở huyện vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) cũng đã có trận mưa tuyết tương tự. Trong khi đó, những năm trước, chỉ là mưa đông kết, băng giá - tức là nước mưa rơi xuống gặp nhiệt độ thấp đã đóng lại thành băng ướt.
Trong cảnh đông giá đó, tâm trạng âu lo đang đè nặng hàng vạn nông dân và doanh nghiệp đang đầu tư làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và nông thôn trên các địa bàn xảy ra băng tuyết. Như Báo SGGP đã đưa, hàng trăm hécta rau màu nông sản (đặc biệt là cây su su đã tạo thành thương hiệu của Sa Pa, được trồng với diện tích rộng), rồi các vườn lan với hàng vạn chậu của doanh nghiệp đã bị vùi dập, hư hại nghiêm trọng trong đợt băng tuyết này.
Còn rất nhiều những thiệt hại nặng nề khác chưa thể đong đo đếm được ngay, chẳng hạn như hàng ngàn hécta cây ăn trái và cây lâm nghiệp sẽ bị ảnh hưởng chu kỳ sinh trưởng, không đậu quả được vào mùa năm sau, rụng lá bất thường hoặc chết…
Rõ ràng, một lần nữa lại có thêm bằng chứng để khẳng định rằng thiên nhiên đang có những dấu hiệu rất khắc nghiệt. Thiên tai ngày càng khó lường và có nhiều diễn biến lạ, nguy hiểm. Ngay cả các chuyên gia về khí tượng thường rất thận trọng khi đưa ra những thuật ngữ thông tin dự báo thiên tai nhưng cũng phải gọi đợt mưa tuyết mới đây là “hiện tượng bất thường” trong khi trước đó chỉ dám dùng từ “dị thường” để nói về các hiện tượng.
Còn nhớ cũng trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, hồi mùa hè năm nay đã từng xảy ra trận mưa đá lớn và cũng chưa từng thấy trong lịch sử ngành khí tượng. Không phải một vài bản làng mà cả vạn nóc nhà ở nhiều tỉnh cùng tan tành chỉ sau một đêm mưa đá kèm lốc xoáy, đã có nhiều người bị thương do mưa đá ném xuống. Những cục đá có kích cỡ cũng chưa từng gặp trước đó, không chỉ to bằng hạt bắp mà bằng củ khoai, quả ổi, thậm chí quả bưởi…
Mới đây nhất là cơn bão Haiyan khủng khiếp, mặc dù không gây ảnh hưởng nhiều tới nước ta do đã chủ động ứng phó với bão, nhưng sự tàn phá của nó trên đất nước Philippines đã làm bất cứ ai cũng phải kinh hoàng, đặc biệt là đường đi dọc theo bờ biển từ miền Trung lên tận miền Bắc của bão đã cho thấy một thảm họa thiên nhiên rất kỳ dị, không lường trước được.
Mưa tuyết Sa Pa, rằng đẹp thì thật là đẹp, chính là một thông điệp gửi cho chúng ta về những hậu quả mà thiên nhiên có thể nổi giận, các thảm họa có thể trở lại bất cứ lúc nào mà thậm chí mức độ có thể còn ngày càng thảm khốc hơn nhiều. Trong lịch sử năm 2008, ở miền Bắc và miền Trung đã từng xảy ra đợt rét kỷ lục tới 38 ngày, làm hàng triệu nông dân như “ngồi trên lửa” vì gia súc, lúa và hoa màu chết hàng loạt. Giá cả, nguồn thực phẩm đảo lộn vì thời tiết. Và ngược lại với rét đậm rét hại nặng ở miền Bắc, ai dám chắc sẽ không có những đợt nắng nóng kỷ lục, gây ra những đợt đại hạn kéo dài ở khu vực Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên?
Đành rằng “họa vô đơn chí” như mọi người vẫn quen miệng nói. Nhưng để giảm thiểu thiệt hại do các thảm họa thiên tai gây ra, đặc biệt là về tính mạng người và tài sản, ngay từ bây giờ chúng ta phải cùng bắt tay hành động để giảm thiểu các nguy cơ và rủi ro. Hiện nay, Chính phủ cũng đánh giá rất cao vấn đề ứng phó thiên tai, phòng chống thảm họa thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Có lẽ, chúng ta cũng chưa thể đủ tiềm lực tài chính để xây cả con đập lớn ngăn nước biển dâng như ở Hà Lan, nhưng những dự án nhỏ và thiết thực như giáo dục cho con em về ý thức bảo vệ môi trường sống, trồng cây xanh, đưa môn học tập ứng phó với thảm họa vào nhà trường, nông dân nói “không” với hóa chất độc hại, các nhà máy hạn chế xả khí thải và chất thải độc ra môi trường, đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng, triển khai thành công mô hình nhà tránh lũ… hẳn là cũng không phải khó.
Nhưng cũng thật buồn là nhiều năm qua, trong khi người dân các tổ chức về môi trường ở nhiều địa phương đang miệt mài với các dự án trồng cây lấn biển, trồng rừng ngập mặn thì ở không ít vùng rừng quốc gia, lâm tặc lại đang lộng hành, chặt phá rừng không thương tiếc nhờ sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ kiểm lâm… Do đó, bảo vệ thiên nhiên không thể chỉ hô hào khẩu hiệu được nữa mà phải sử dụng chế tài rắn và nghiêm luật, để vì quyền lợi lâu dài chung của cả cộng đồng.
PHÚC HẬU