GS-TS Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết Việt Nam hiện có 235 trường ĐH gồm 1,76 triệu sinh viên. Với dân số cả nước tính đến ngày 15-11-2018 là 96.843.462 người thì Việt Nam đang ở mức 181 sinh viên trên 10.000 dân (chiếm 1,81% dân số).
Ngoài ra, cả nước có 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. So sánh với Nhật Bản, tỷ lệ sinh viên trên dân số của nước ta chỉ kém hơn nước bạn chưa tới 0,2%. Tuy nhiên, nếu so sánh về số trường ĐH, ta sẽ thấy một sự chênh lệch đáng kể.
Cụ thể, Nhật Bản có 781 trường ĐH và 352 trường CĐ, nhiều gấp 2,5 lần so với Việt Nam. Đáng nói là, nhiều trường ĐH ở Việt Nam đang “ôm đồm” số lượng sinh viên rất đông, đào tạo ra một lượng lớn cử nhân và thạc sĩ gấp nhiều lần nhu cầu. Do đó mới xảy ra tình trạng tốt nghiệp ĐH, thậm chí thạc sĩ, mà vẫn không có việc làm hoặc phải làm những việc không đúng chuyên môn được đào tạo.
Ở góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Việt kiều Mỹ, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), cho rằng chương trình đào tạo ở các trường ĐH-CĐ của nước ta hiện nay đang có sự lạc hậu, nền tảng khoa học thấp, các chương trình đào tạo rời rạc, thiếu hệ thống.
Nhiều môn chuyên ngành không đặt nền tảng ở các môn khoa học kỹ thuật mà chỉ dựa vào kiến thức kinh nghiệm dẫn đến việc nhồi nhét kiến thức, khiến sinh viên mất hứng thú học tập và không đủ năng lực nhận thức độc lập cũng như phát triển tư duy sáng tạo sau khi tốt nghiệp.
Hệ quả, theo ông Peter Hồng, Việt kiều Úc, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tình trạng chảy máu chất xám, kéo theo chảy máu về tiền bạc và nhân lực đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Cụ thể, theo thống kê của hiệp hội này, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 sinh viên du học hàng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, chi trả từ 3,5 - 4 tỷ USD mỗi năm cho chi phí học tập, chưa kể chi phí đi lại và ăn ở. Song, thực tế không có nhiều sinh viên quay về phục vụ đất nước. “Vì sao giáo dục ĐH ở nhiều nước có thể lột xác trong vòng 10 năm nhưng Việt Nam chúng ta chưa làm được”, ông Peter Hồng đặt câu hỏi.
Giải đáp băn khoăn này, TS Bùi Văn Minh, Việt kiều Pháp, nguyên giảng viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), lý giải chúng ta đang loay hoay đào tạo một thế hệ sinh viên thiếu tự tin, không có khả năng tự lập và sáng tạo, chỉ xác định học tập để lấy bằng cấp. Muốn giáo dục ĐH Việt Nam cất cánh, cần xác định rõ mục đích đào tạo là “học để làm” chứ không phải học để lấy bằng cấp hoặc giữ vị trí cao trong xã hội.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết thành phố đang từng bước hướng đến mục tiêu học sinh có thể học mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và hệ thống đào tạo E-learning, được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.
Mục tiêu đến năm 2030, thành phố có ít nhất 20% học sinh THPT có thể giao tiếp song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục. Nhiều năm trở lại đây, TP cũng đã thực hiện nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác với các trường học nước ngoài, tổ chức giáo dục quốc tế, công ty nước ngoài.
Thời gian tới, Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng, có khả năng hỗ trợ về tiềm lực, tư vấn hướng phát triển hợp tác trong xây dựng các chương trình giáo dục, hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, một số hoạt động như thu hút giáo viên tình nguyện bản ngữ, các dự án thiện nguyện hỗ trợ cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với các nhà xuất bản quốc tế có uy tín để biên soạn bộ sách ngoại ngữ mang đặc thù riêng của TPHCM cũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.