Mừng ít, lo nhiều

Theo kết quả khảo sát về chất lượng giáo dục toàn cầu (PISA) do Hiệp hội Các nước phát triển (OECD) vừa công bố, học sinh Việt Nam đứng ở tốp đầu. Thông tin này được Bộ GT-ĐT đưa ra tại cuộc họp báo tổ chức hôm 4-12 và được nhiều tờ báo đăng tải với thái độ khá hồ hởi. Thậm chí, có báo còn chạy tít “Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ”. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết xếp hạng trên gây bất ngờ, bởi khi lần đầu tham gia cuộc khảo sát PISA, Việt Nam chỉ kỳ vọng đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình.

Theo Bộ GD-ĐT, khung kiến thức, kỹ năng trong bài thi PISA được thiết kế không phụ thuộc vào chương trình giáo dục của quốc gia nào, mà đó là khung năng lực chung của quốc tế. Điều đó chứng tỏ chương trình, sách giáo khoa của Việt Nam đã trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản, đáp ứng được các yêu cầu kiến thức, kỹ năng của OECD và quốc tế.

Với nhận xét như vậy của Bộ GD-ĐT, phải chăng chúng ta có thể yên tâm với nền giáo dục hiện tại? Con em chúng ta đã được ghi nhận thứ hạng về học tập cao hơn cả những nước có nền giáo dục được đánh giá là chất lượng nhất, nhì thế giới!

Nếu vậy thì những bức xúc trong trong ngành giáo dục thời gian qua là từ đâu ra? Tại sao Đảng và Nhà nước lại đặt ra yêu cầu về đổi mới giáo dục - đào tạo? Hãy tạm quên thông tin mang tính “ru ngủ” như trên để thẳng thắn nhìn nhận nền giáo dục của Việt Nam đang ở đâu, đang như thế nào. Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vừa được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI thông qua đã chỉ ra rằng, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Trên thực tế, bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... trong giáo dục còn chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn trước đây.

Bởi vậy, kết quả của cuộc khảo sát PISA trên dù có đáng mừng, nhưng cũng không nên tung hô một cách quá mức. Đổi mới giáo dục vẫn là “một trận đánh lớn” đang chờ ở phía trước, như lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu mới đây.

Kết quả đánh giá PISA khiến nhiều người liên tưởng tới báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Qua báo cáo này, WB cho biết tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam. Lực lượng lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết tốt, chiếm 95% số người lao động và chỉ đứng sau Trung Quốc (99%). Tuy nhiên, WB lưu ý rằng Việt Nam lại đang thiếu người lao động có kỹ năng. Có tới 80% cán bộ chuyên môn của Việt Nam thiếu các kỹ năng cần thiết. Con số này ở kỹ thuật viên và thợ thủ công lần lượt là 83% và 40%.

Thông điệp chính mà WB mới nhấn mạnh trong báo cáo là: với phần lớn lực lượng lao động có khả năng đọc và viết, thách thức hiện nay của Việt Nam là làm thế nào có thể biến các sinh viên tốt nghiệp từ những người giỏi học theo sách trở thành những người có tư duy phản biện và biết cách giải quyết vấn đề, những người được trang bị đầy đủ để lĩnh hội các kỹ năng kỹ thuật từ các trường đại học, trường dạy nghề và trong suốt quãng đời làm việc của mình. Vấn đề này cũng được các chuyên gia giáo dục đầu ngành của Việt Nam thừa nhận.

Nói về nguyên nhân dẫn tới yếu kém của giáo dục, GS Hoàng Tụy cho rằng, triết lý, đường lối giáo dục của Việt Nam hiện nay nặng về tính chất đào tạo con người theo khuôn mẫu định trước, nên không có đầu óc phê phán. Kiểu học, thi trong nhà trường như hiện nay không khuyến khích được học sinh tự học, tự tìm hiểu, lật qua lật lại vấn đề.

Chúng ta đang bắt đầu triển khai đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục mà một trong những mục tiêu lớn là “xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt”. Những gợi ý về chuyển hướng từ giáo dục kiểu sách vở, khuôn mẫu sang đào tạo kỹ năng, cách tư duy rất cần được xem xét nghiêm túc trong quá trình này. Và căn bệnh thành tích trong giáo dục cũng phải sớm được khắc phục một cách triệt để. Cho nên câu chuyện “học sinh Việt Nam giỏi hơn cả Anh, Mỹ” là điều mừng ít nhưng lại lo nhiều. Bởi hiện nay, Việt Nam chỉ vừa vượt qua ngưỡng nước nghèo và còn đang rất khó khăn. Đừng vội tự hào chúng ta nghèo mà học giỏi, mà hãy hỏi vì sao chúng ta giỏi mà vẫn nghèo?

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục