Cuối năm gặp 2 tác giả trẻ

“Mười ba trong một bến vô thường!”

Đó là Nguyễn Thu Phương - tác giả của Mười ba trong một - tập truyện ngắn (NXB Trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM) và Nguyễn Danh Lam - một cây bút đã ít nhiều quen thuộc trong làng thơ trẻ lâu nay - vừa trình làng tiểu thuyết Bến vô thường (NXB Hội Nhà văn).
“Mười ba trong một bến vô thường!”

Đó là Nguyễn Thu Phương - tác giả của Mười ba trong một - tập truyện ngắn (NXB Trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM) và Nguyễn Danh Lam - một cây bút đã ít nhiều quen thuộc trong làng thơ trẻ lâu nay - vừa trình làng tiểu thuyết Bến vô thường (NXB Hội Nhà văn).

  • Không chỉ “Mười ba trong một”
“Mười ba trong một bến vô thường!” ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Danh Lam. Ảnh: S.P.

Mười ba truyện ngắn trong một tập, cũng như tác giả Nguyễn Thu Phương, quả là một tập hợp “rất nhiều trong một”! Chị vừa là nhà văn với gần chục đầu sách riêng trong khoảng thời gian rất ngắn kể từ tập truyện đầu tay Cười trong mơ  (NXB Trẻ 2000). Chị còn là nhà viết kịch bản sân khấu với hàng loạt vở đã và đang dàn dựng, gần đây chị còn xông cả vào lĩnh vực kịch bản phim, mới nhất là chuyển thể tập phóng sự Dưới vành mũ thám tử của Trâm Anh đăng trên báo Tuổi Trẻ thành kịch bản phim truyền hình 25 tập do TFS đặt hàng.

Đi nhiều, làm việc rất nhiều, “ăn to nói lớn” và “ruột để ngoài da” nên dễ gần là cảm giác đầu tiên khi gặp Nguyễn Thu Phương. Có lẽ vì vậy mà văn của chị ngồn ngộn chi tiết, ăm ắp vốn sống, trôi chảy nhanh mạnh và khỏe khoắn, lắm khi bạo liệt nhưng cũng tràn đầy nữ tính.

“Vốn dĩ như chính nguồn gốc xuất thân của tác giả, văn Nguyễn Thu Phương là sự pha trộn nét sắc sảo xứ Bắc cùng chất nhiệt thành, hồn hậu của phương Nam. Khởi nghiệp, văn của chị chưa tạo dấu ấn đậm đặc như những giọng văn thuần túy một vùng miền, nhưng càng về sau, ý thức khai thác tính cách đa phương đã mang đến cho chị một ưu thế vượt trội: khả năng biến hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Không khó lắm khi phát hiện ra vô số khẩu ngữ Sài Gòn đượm chất trào lộng được phối hợp nhuyễn với lối hành văn nhiều tầng, thậm chí khá cay của phong vị Bắc. Chị có biệt tài lôi cuốn người đọc vào một vùng văn chương náo nhiệt, rồi bất ngờ lắng xuống thành một nốt trầm sâu của trải nghiệm” (Vũ Đình Giang).

  • “Bến vô thường” mà “phi thường”!

Vốn là một cây bút thơ, tốt nghiệp trường vẽ và đi làm báo, sau một thời gian tạm im ắng, cuối năm Nguyễn Danh Lam bất chợt trình làng một Bến vô thường khá thú vị mà theo nhà văn Hồ Anh Thái thì  “Những nhà ga, trong ký ức và cả trong suy tưởng; Những hành trình tưởng đâu sẽ đến miền đất hứa; Cái bến đời vô thường bao nhiêu ngộ nhận, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu điều ân oán. Nhiều mảng đời lạ hoặc được lạ hóa. Yếu tố huyền ảo được sử dụng vừa phải, tạo được ấn tượng mộng mị liêu trai, tuy đôi chỗ gây cảm tưởng phóng tay tùy hứng. Nguyễn Danh Lam chứng tỏ một tay nghề tiểu thuyết có ý thức mang đến cho độc giả đôi điều mới lạ”.

  • Không chuộng những “lối đi ngay dưới chân mình”!
“Mười ba trong một bến vô thường!” ảnh 2
Nhà văn Nguyễn Thu Phương.

Như lời mời gọi khá hấp dẫn của NXB Trẻ cho tủ sách Văn học Trẻ: Cùng bước vào thế giới văn chương của những người trẻ thế kỷ 21, điều quý nhất ở cả hai tác giả là sự tự tìm tòi và tự làm mới mình bằng những khúc quanh, lối rẽ, không chuộng nẻo cũ sáo mòn. Họ tìm đến yếu tố huyền ảo như một thể nghiệm, chứ không như một cứu cánh và đã mạnh tay thay đổi cách viết, bằng tâm huyết, bằng một nỗ lực đáng ghi nhận.

Họ quả thật đã mở ra những cánh cửa, bạn có thể bước vào để cùng sẻ chia với họ cách nhìn về đời sống hiện đại, nơi họ cũng như bạn đang sống, làm việc, xê dịch và mơ mộng! Trong Bến vô thường - cũng là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Danh Lam - bạn sẽ tìm thấy ở “nhà thơ viết văn” này hơi hướm văn học phi lý và hiện thực huyền ảo, cùng sự trau chuốt trong văn phong, chữ nghĩa, được phủ ngoài một lớp vỏ ngôn từ “bất cần đời”, hơi hằn học, một phong cách khá lạ so với những bài thơ êm ái, ngọt ngào của anh bấy lâu nay, tuy đôi chỗ hơi quá tay… gây phản cảm.

Sau cùng đây là quyển sách trình bày khá đẹp, giới thiệu trang trọng, in trang trọng nhưng tiếc thay lại có quá nhiều lỗi chính tả.

Nguyễn Thu Phương thì “hiền” hơn, “mộc” hơn, nhẹ nhàng nữ tính hơn qua cái duyên quyến rũ người đọc từ những cảm nhận rất… phụ nữ, và rất trẻ, từ đề tài cho đến cách diễn đạt, những câu thoại ngắn, những tình huống hóm hỉnh, thông minh. Chỉ cần nhìn thẳng vào mắt là một truyện ngắn mang yếu tố “huyền ảo” thú vị, mở màn cho loạt truyện sau này của chị với thủ pháp, cách diễn đạt mới của loại hình “truyện ngắn ý tưởng”, “truyện ngắn hiện đại”…

Điều đáng tiếc nhất trong tập sách này, đó là những phụ bản minh họa khá thô thiển và thiếu chuyên nghiệp.

  • Văn chương thời “xa rời chữ viết”…

Dòng sông hiện đại chảy trôi gấp gáp, lôi kéo người ta ngày càng “xa rời chữ viết, xa rời văn chương”, thanh thiếu niên dường như ngày càng bị cuốn hút vào mạng Internet, vào điện thoại di động…  Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần III từ khi phát động (26-3-2003) đến nay đã đến hạn “nước rút”, ban tổ chức vẫn chỉ nhận được khá ít tác phẩm tham gia (nên đã quyết định tăng tiền giải thưởng từ 20 triệu lên 25 triệu cho giải I!). Phải chăng các nhà văn ngày nay ít chọn con đường chuyên nghiệp hóa, nghiêm cẩn đúng mực với văn chương, khi mà họ thấy văn học khó có thể “cạnh tranh” lại với các kiểu văn hóa giải trí sinh động hơn như âm nhạc, phim ảnh, truyện tranh…

Vậy mà trong bối cảnh ấy những người viết trẻ vẫn cứ kiên trì với ngòi bút của mình. Từng trang, từng trang ít nhiều là tấm gương phản ánh đời sống xã hội, con người, khi nhiều giá trị đạo đức truyền thống đang bị đảo lộn thì đối với họ, văn chương là chỗ nương náu tinh thần, là “sân chơi” hữu hiệu. Dường như trong sâu thẳm tâm hồn họ có điều gì đó tựa như mong muốn xây dựng lại các giá trị đã mất? Mọi chuyện vẫn ở phía trước…

Trung thành với tả thực hay mơ màng bay bổng với huyền ảo, siêu thực, phi lý… “Mọi hình thức là của nội dung” – đó là nhận định của Milan Kundera, hay nói như nhà văn Lê Văn Thảo: “Không cần thiết phải có sự đột phá nhưng tiến lên là được!”.

Và rõ ràng qua Bến vô thường và Mười ba trong một - hai cây bút trẻ Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Danh Lam - họ đã mạnh mẽ tiến lên!

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục