Muốn đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN: Phải bổ sung quy định phù hợp

Muốn đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN: Phải bổ sung quy định phù hợp

Mặc dù sau 15 năm thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm đến 88%, thế nhưng, về vốn thì chỉ giảm có 8%. Có nghĩa là, những doanh nghiệp còn lại là những doanh nghiệp lớn, nắm giữ số vốn lớn.

“Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao, cần báo cáo rõ doanh nghiệp nào nhà nước nắm giữ 100% vốn, doanh nghiệp nào phải thoái vốn, tỷ lệ là bao nhiêu… Tinh thần là nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Những lĩnh vực khác phải để tư nhân làm, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại buổi giao ban trực tuyến toàn quốc về cổ phần hóa DNNN vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến toàn quốc về cổ phần hóa DNNN

Phải “buông” để tạo bình đẳng…

TS Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, sau 15 năm tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới DNNN thì số lượng DNNN đã giảm mạnh. Ngành nghề kinh doanh của DNNN cũng tập trung vào những ngành then chốt, thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được nhà nước giao. Cụ thể, năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 DNNN (kinh doanh trong 60 ngành, lĩnh vực) thì sau 15 năm tái cơ cấu, đến nay chỉ còn 718 DNNN (với 19 ngành, lĩnh vực).

Nhìn chung, về hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa được nâng lên. Thống kê giai đoạn 2011 - 2015, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng các DNNN, chủ yếu là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, vẫn tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. Tính riêng trong năm 2015, so sánh trong 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa với trước khi cổ phần hóa thì lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%...

Với số lượng doanh nghiệp được tái cơ cấu cao như thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, theo báo cáo thì số lượng DNNN giảm nhanh (15 năm, giảm đến 88% về số lượng - PV), nhưng số vốn hóa ra thị trường chỉ chiếm 8%, còn 92% vốn nhà nước đang nằm tại doanh nghiệp. Tại sao không đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để thu hồi vốn, trong lúc nhà nước đang thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và trả nợ quốc gia? Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, tìm nguyên nhân vì sao thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thấp và cổ phần hóa thấp, từ đó tìm ra giải pháp để thoái vốn và cổ phần hóa DNNN trong thời gian sớm nhất và tốt nhất.

Nhiều kiến nghị

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đề ra các giải pháp là, tập trung quyết liệt thực hiện phân loại và sắp xếp DNNN, danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định rõ doanh nghiệp nào nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, doanh nghiệp nào nắm giữ trên 50% vốn, doanh nghiệp nào giữ dưới 50% vốn và tiến độ thực hiện thoái vốn. Xây dựng và công bố danh mục DNNN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa hàng năm làm cơ sở cho triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Thủ tướng cũng nhắc nhở, nhiều bộ ngành không muốn “buông” nên kiềm hãm quá trình cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Do vậy, cần phải có chế tài xử lý những cá nhân cố tình chây lỳ, chậm chạm trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới DNNN.

Các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị từ thực tế. Cụ thể, đại diện Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước kiến nghị, hoàn thiện khung pháp lý để các DNNN hoạt động; xem xét nghiên cứu cho DNNN được làm những gì mà pháp luật không cấm. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung tái cơ cấu và quản trị DNNN, xem xét tỷ lệ cổ phần bán ra lần đầu cho công chúng. Việc cổ phần hóa phải được công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán. Việc đấu giá, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải minh bạch; quy định rõ sau khi cổ phần hóa thì trong vòng 1 năm phải bán lên sàn chứng khoán, hạn chế việc các doanh nghiệp dấm dúi bán cho người thân, trục lợi.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì cho rằng, để việc sắp xếp, đổi mới DNNN đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự quyết liệt, quyết tâm từ chính các doanh nghiệp cổ phần hóa. Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm ban hành, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cổ phần hóa không còn phù hợp. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 59 và thay thế Quyết định 37 không còn phù hợp. Vì những quy định về giá trị thương hiệu, lợi thế đất đai hiện giờ chưa được hướng dẫn cụ thể nên các địa phương phải xin và chờ ý kiến trả lời từ cấp trên, rất tốn thời gian, làm chậm tiến trình cổ phần hóa DNNN và thậm chí làm thất thoát vốn nhà nước khi định giá những lô “đất vàng”.

Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn việc tính giá trị lợi thế; Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sớm xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp… để đẩy nhanh tiến độ, tránh thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục