Muốn nhanh thì phải làm liền

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 311/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên không gian mạng” giai đoạn 2022-2030.
Học sinh học trực tuyến tại nhà vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh học trực tuyến tại nhà vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chương trình đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu như: Đến năm 2025 phấn đấu trên 70%, đến năm 2030 đạt 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng tài liệu và giảng dạy kỹ năng thích ứng, sử dụng không gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả cho học sinh, sinh viên; đến năm 2025 đạt trên 80%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi...

Muốn nhanh thì phải làm liền, bởi chưa bao giờ mạng xã hội lại có sức ảnh hưởng từ tích cực đến tiêu cực vào giới trẻ mạnh như hiện nay. Thống kê vào tháng 6-2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội, trụ sở tại Ba Lan) cho thấy, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc… Một thông tin, hình ảnh chưa biết đúng sai, tốt xấu từ không gian mạng có sức lan truyền rất nhanh và tác động mạnh vào dư luận.

Thông tin tích cực và tiêu cực từ không gian mạng nhiều người đã thấy. Tuy nhiên để khai thác mặt tích cực thì không phải đơn vị nào cũng thực hiện hiệu quả. Fanpage là một hình thức đơn giản nhất, nhưng nhiều đơn vị hiện nay vẫn chưa khai thác hiệu quả. Các đơn vị Đoàn ở cấp xã, huyện, phường… đều có fanpage, nhưng cập nhật thông tin hay trả lời tin nhắn ở nhiều nơi rất chậm, thậm chí cả tuần cũng chỉ có vài tin tức. Ở các đơn vị trường học, fanpage cũng có sự cách biệt giữa những trường nội và ngoại thành. Với những trường nội thành, fanpage được chăm chút khá kỹ, cập nhật thông tin, thông báo thường xuyên… Còn ở nhiều trường ngoại thành, fanpage phần nhiều mang tính tự phát do học sinh tự lập ra hoặc nếu từ phía nhà trường thì cũng không có nhiều cập nhật thông tin hay hình ảnh.

Ngay cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” dù triển khai đã lâu nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong đợi… Có lẽ ngay chính tên gọi cũng cần nhìn nhận lại, khi thông tin mỗi ngày liên tục, liệu 1 tin tốt có đủ, và 1 tuần 1 chuyện hay liệu có kịp với nhịp sống thời sự, tốc độ lan truyền trong không gian mạng hiện nay?

Sự thành công khi tuyên truyền trên mạng xã hội còn nằm ở cách chúng ta thực hiện bài viết, hình ảnh, video… Mềm mại nhưng không mất quan điểm, là điều mà những fanpage của các đơn vị cần chú ý, bởi từ ngữ rập khuôn, cứng nhắc theo hình thức thì khó mà nắm bắt được tâm lý, xu hướng thế hệ gen Y, gen Z… Không đủ thu hút thì tuyên truyền dẫu bao lâu cũng khó đạt được hiệu quả, vì không tác động được vào tâm lý người trẻ thì nói mãi cũng chẳng thể thành công.

Tin cùng chuyên mục