Hôm qua (5-4), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3 (kéo dài đến 6-4) để bàn thảo, cho ý kiến về 7 nội dung quan trọng. Các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, quản lý xây dựng đô thị… đã toát lên việc cần phải phân cấp mạnh hơn, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính và bố trí đủ nhân lực mới bảo đảm thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước.
Càng rà soát, càng phát hiện nhiều thủ tục cần bỏ
Kết quả rà soát thủ tục hành chính của các bộ, ngành do Bộ Nội vụ đưa ra tại phiên họp của Chính phủ cho thấy rà soát ở đâu cũng phát hiện bất hợp lý. Bộ TN-MT dù đã rất nhiều lần rà soát sửa đổi nhưng lại vừa phát hiện một số vấn đề cần đơn giản hóa, vì thế đã đề nghị Chính phủ ban hành quy định bổ sung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…
Sẽ miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. |
Tuy cho rằng về thủ tục thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp đã có nhiều văn bản mới ban hành nhưng Bộ KH-ĐT phát hiện một số bất hợp lý và thiếu văn bản liên quan như: thủ tục giải thể doanh nghiệp tuy đơn giản nhưng lại chưa có quy định hướng dẫn như thế nào là hồ sơ giải thể hợp lệ của doanh nghiệp; hồ sơ chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc 11 vấn đề còn bất hợp lý trong cấp phép chứng nhận đầu tư.
Các vướng mắc nói trên đã được báo cáo lên Thủ tướng giải quyết. Chính vì vậy, bộ này vừa trình Thủ tướng Văn bản số 908 đề nghị bãi bỏ hoàn toàn 33 giấy phép con; bãi bỏ, thay thế 9 giấy phép khác.
Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xử lý việc UBND TP Hà Nội và TPHCM quy định thêm một loạt quy trình trong xét cấp giấy phép xây dựng như: thỏa thuận về quy hoạch xây dựng, thảo thuận về phòng cháy, chữa cháy; thỏa thuận về hành lang an toàn lưới điện…
Xây dựng không phép chiếm 24%, trái phép chiếm 34%
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đưa ra tại phiên họp Chính phủ lần này cho thấy, tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Số trường hợp xây dựng không có phép năm 2006 đã giảm so với năm 2005 (khoảng 5%) những vẫn chiếm tỷ trọng lớn (chiếm khoảng 24% trong tổng số các công trình xây dựng yêu cầu phải có giấy phép). Trong khi đó, trường hợp xây dựng sai so với giấy phép được cấp trong năm qua vẫn ở mức cao, chiếm tới 34% so với giấy phép đã được cấp và tăng 22% so với năm 2005.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của tình trạng trên là do quy hoạch chi tiết xây dựng thiếu. Đội ngũ công chức làm công tác cấp giấy phép xây dựng ở các quận, huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, một số địa phương còn đặt ra yêu cầu, thủ tục không đúng quy định, gây ra tâm lý không muốn xin giấy phép xây dựng. Đồng thời, địa phương cũng chưa phân cấp đúng quy định.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi điều 23 Luật Thanh tra và Nghị định số 46/2006 theo hướng chính quyền đô thị thành lập thanh tra xây dựng ở cấp quận và cấp phường, thay cho quy định chỉ có ở hai cấp bộ và sở như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng mức phạt các hành vi vi phạm.
Phân cấp: Ưu tiên thực hiện tại Bộ GD-ĐT
Liên quan đến vấn đề phân cấp, Bộ Nội vụ vừa trình Thủ tướng Văn bản số 772 với các đề nghị phân cấp cụ thể cho Bộ GD-ĐT. Theo đó, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập các trường đại học công lập và tư thục; giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các trường đại học; quyết định thành lập các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia; quyết định thành lập các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM. Trong trường hợp người được bổ nhiệm là cán bộ thuộc diện các cơ quan Trung ương của Đảng quản lý thì lấy ý kiến các cơ quan có trách nhiệm liên quan.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng được đề nghị có quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển các Đại học Quốc gia. Đề nghị phân cấp này đang chờ Thủ tướng xem xét. Hôm nay, Thủ tướng sẽ cho ý kiến, kết luận về các vấn đề trên, về điều chỉnh mức lương tối thiểu và về một số nội dung quan trọng khác.
Kéo dài nhiệm kỳ HĐND thêm 2 năm Theo đó, sẽ rút ngắn nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa X khoảng 3 tháng, tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào quý 1 năm 2011. Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII khoảng 1 năm, bầu cử Quốc hội khóa XIII vào quý 2 năm 2011. Kéo dài nhiệm kỳ HĐND các cấp khóa 2004-2009 thêm khoảng 2 năm, bầu cử vào quý 2 năm 2011, cùng ngày với bầu cử Quốc hội khóa XIII. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chủ trương trên. |
NAM QUỐC