Ngày 3-2, hãng BBC đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường sức ép ngoại giao và sức mạnh răn đe quân sự đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nhiều thực thể của Iran, những bước đi cụ thể đầu tiên sau khi Washington phát đi tín hiệu về lập trường cứng rắn hơn đối với Tehran liên quan tới vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây của nước này.
Hai trụ cột giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Tuyên bố trên của ông Mattis được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc đang diễn ra. Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của nước này sẽ bị đánh bại và bất kỳ việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị đáp trả mạnh mẽ”. Theo ông Mattis, chuyến thăm tới Seoul lần này là nhằm củng cố cam kết ưu tiên của Mỹ đối với khối liên minh song phương cũng như chứng minh cam kết đầy đủ của chính quyền Washington trong việc bảo vệ nền dân chủ của Seoul.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung
Trước đó, tại cuộc gặp giữa ông Mattis và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, phía Mỹ đã bày tỏ sự hậu thuẫn hoàn toàn đối với lập trường của phía Hàn Quốc rằng sức ép ngoại giao và sức mạnh răn đe quân sự sẽ vẫn là 2 trụ cột chính trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chính sách này cần được chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc kiềm chế việc Triều Tiên phát triển các khả năng hạt nhân.
Mang tính biểu tượng
Ngày 3-2, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 13 cá nhân, 12 thực thể liên quan tới Iran. Trong danh sách được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra có những đối tượng ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Lebanon và Trung Quốc.Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được hồi năm 2015 với Iran. Theo các chuyên gia, đây sẽ là động thái cụ thể của Washington để củng cố chính sách kiên quyết hơn đối với Tehran, nhưng mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất do lệnh trừng phạt mới sẽ không ảnh hưởng tới thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ của cộng đồng quốc tế đối với Iran để đổi lấy việc nước này giới hạn các chương trình hạt nhân.
Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông Michael Flynn, đã tuyên bố đưa Iran vào diện cần chú ý sau vụ thử tên lửa vào ngày 29-1 vừa qua của nước này. Phe Cộng hòa tại Quốc hội tuyên bố ủng hộ lập trường cứng rắn của Nhà Trắng đối với Tehran. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết ông tán thành việc bổ sung trừng phạt Iran, đồng thời chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã quá dễ dãi. Giới lập pháp của đảng Cộng hòa cho biết họ đang hợp tác với nội các mới để thắt chặt các chính sách liên quan tới Iran trong khi bảo đảm giữ vững thỏa thuận hạt nhân và không gây bất ổn trên chính trường quốc tế.
|
ĐỖ CAO (tổng hợp)