Ngày 28-5, tờ Washington Post dẫn báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ trình Lầu Năm góc, cảnh báo những thông tin nhạy cảm về hầu hết các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ đã bị tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc tiếp cận.
Đe dọa an ninh quốc gia
Theo báo cáo trên, tin tặc đã xâm nhập thông tin của hơn 20 hệ thống vũ khí thuộc chương trình tối quan trọng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ. Trong đó, có một số hệ thống được xem là xương sống phòng thủ của một số quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á, châu Âu và vùng Vịnh, như hệ thống tên lửa Patriot PAC-3, hệ thống đánh chặn tên lửa được biết đến với tên gọi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hay hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis dành cho hải quân. Các thiết kế về chiến đấu cơ F/A-18, máy bay vận tải V-22 Osprey, trực thăng chiến đấu Black Hawk và tàu chiến Littoral dùng để tuần tra vùng nước gần bờ cũng là mục tiêu của tin tặc. Trước đó, năm 2007, một báo cáo về tin tặc cũng cho biết chiến đấu cơ F-35, một dự án hợp tác giữa Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, tiêu tốn nhiều tỷ USD, cũng đã bị đánh cắp.
Trong danh mục công nghệ bị đánh cắp còn hệ thống camera trên máy bay không người lái; công nghệ nano; hệ thống chiến tranh điện tử và các dữ liệu chiến thuật. Mark Stokes, chuyên gia về an ninh châu Á của Mỹ, coi đây là vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia cũng như các đồng minh của Mỹ.
Lầu Năm góc đã từ chối bình luận về bản báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay cơ quan này đặc biệt quan tâm những đe dọa đối với nền kinh tế, an ninh quốc gia xuất phát từ tin tặc với mục tiêu đánh cắp sản phẩm sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, đe dọa đến sức cạnh tranh của thương mại Mỹ, trong đó có ngành công nghiệp quốc phòng.
Loay hoay đối phó
Mặc dù báo cáo trên không cáo buộc trực tiếp chính phủ Trung Quốc, nhưng một quan chức cấp cao của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ cho rằng đây là một phần trong chiến dịch gián điệp mạng của Trung Quốc nhằm vào các nhà thầu quốc phòng và cơ quan chính phủ Mỹ.
Các chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến có thể giúp Trung Quốc đẩy nhanh phát triển hệ thống vũ khí của nước này, đồng thời giảm thế cạnh tranh của quân đội Mỹ. Trong khi đó, một số ý kiến nhận định gián điệp mạng sẽ làm nảy sinh 3 vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh mạng giữa 2 bên. Thứ hai, tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng tốc mua lại các sản phẩm công nghệ tiên tiến từ tin tặc, tiết kiệm được hàng tỷ USD chi cho nghiên cứu phát triển vũ khí. Cuối cùng, những thiết kế của Mỹ có thể làm lợi cho công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Lâu nay, Trung Quốc bị nghi ngờ đang phát triển một loại chiến đấu cơ dựa trên chiếc F-35 nhưng có khả năng bay nhanh hơn nguyên mẫu của Mỹ.
Trên thực tế, để đối phó với vấn đề tin tặc, Lầu Năm góc đã đưa ra chương trình bảo vệ nền công nghiệp quốc phòng từ 2 năm trước. Theo đó, cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vũ khí sử dụng các thông tin được phân loại từ Cục An ninh nội địa cũng như tiếp cận những phần mềm chống mã độc tối ưu nhất. Tiến tới, chính phủ Mỹ sẽ chia sẻ nhiều hơn các thông tin cho nhà thầu quốc phòng và các ngành công nghiệp khác. Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2013 yêu cầu các nhà thầu quốc phòng báo cáo thông tin về các vụ xâm nhập và cho phép tiếp cận các điều tra của chính phủ để phân tích các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, không phải chờ chính phủ hành động, bản thân các nhà thầu quốc phòng Mỹ đã có những chuẩn bị đối phó với tin tặc. Một quan chức Tập đoàn Lockheed Martin cho biết hệ thống an ninh mạng của họ giờ đây đủ sức chống lại mọi đe dọa và không ngừng được nâng cấp để đối phó với các kỹ thuật tấn công mới từ tin tặc.
Dù Mỹ đang nỗ lực chống đỡ, nhưng rõ ràng, bí mật an ninh quốc phòng Mỹ bị đánh cắp là chuyện xảy ra như cơm bữa.
ĐỖ CAO (tổng hợp)