Mỹ tránh nguy cơ suy thoái vào phút chót

Chỉ ít giờ trước khi bước sang năm mới 2013, Nhà Trắng và đảng Cộng hòa đã đạt một thỏa thuận tránh cho nước Mỹ va vào “vách đá tài chính” đe dọa đẩy nền kinh tế Mỹ rơi trở lại suy thoái khi các biện pháp tăng thuế và cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ có hiệu lực.
Mỹ tránh nguy cơ suy thoái vào phút chót

Chỉ ít giờ trước khi bước sang năm mới 2013, Nhà Trắng và đảng Cộng hòa đã đạt một thỏa thuận tránh cho nước Mỹ va vào “vách đá tài chính” đe dọa đẩy nền kinh tế Mỹ rơi trở lại suy thoái khi các biện pháp tăng thuế và cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ có hiệu lực.

  • Đồng thuận vì mục tiêu chung

Hãng AP đưa tin, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận này với tỷ lệ 89 phiếu thuận/8 phiếu chống. Dự kiến, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về thỏa thuận này trong ngày 1-1 (giờ địa phương). Ngày 3-1, Quốc hội Mỹ họp phiên đầu tiên để quyết định “số phận” của thỏa thuận nói trên.

Theo hãng tin AFP, thỏa thuận trên sẽ tăng thuế đối với những người giàu nhất tại Mỹ, những người có thu nhập trên 450.000 USD/năm, những người sở hữu bất động sản có giá trị 5 triệu USD trở lên và tạm thời hoãn cắt giảm 109 tỷ USD ngân sách dành cho chính phủ trong hai tháng. Thỏa thuận cũng bao gồm qui định phải cân bằng giữa cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu ngân sách để trang trải trong thời gian “vách đá tài chính” bị trì hoãn. Trong số những khoản chi tiêu được cắt giảm, có 50% từ lĩnh vực quốc phòng và 50% từ những lĩnh vực khác.

Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối năm 2012 có phiên tăng điểm mạnh.

Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối năm 2012 có phiên tăng điểm mạnh.

Cũng theo hãng tin AFP, Nhà Trắng xem thỏa thuận là một thắng lợi và là một hình mẫu cho các thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách khác trong tương lai. Thỏa thuận trên đạt được ngay trong ngày nợ công của Mỹ chính thức đạt mức trần 16.394 tỷ USD. Với diễn biến này, Quốc hội Mỹ sẽ có 2 tháng để bàn về việc tăng mức trần nợ công, nếu không Chính phủ Mỹ có thể đối diện nguy cơ vỡ nợ. Đây cũng được xem là thắng lợi đầu tiên của chính quyền Tổng thống Obama sau thời gian tái đắc cử.

Với chiến thắng này, ông Obama đã làm hài lòng các cử tri bỏ phiếu bầu chọn ông. Nó cho thấy, dù còn tồn tại nhiều chia rẽ giữa lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ nhưng mục tiêu chung là đưa nước Mỹ tránh nguy cơ suy thoái vẫn là ưu tiên hàng đầu.

  • Những dấu hiệu khả quan

Trước thời điểm Nhà Trắng và đảng Cộng hòa tìm được tiếng nói chung, dù chưa có kết quả chính thức về thỏa thuận nhưng thị trường tài chính Mỹ đã có những tín hiệu khởi sắc đáng ngạc nhiên. Dường như giới đầu tư đã đoán trước khả năng thông qua gói thỏa thuận mới giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa khi chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2012, tất cả các chỉ số hoạt động kinh tế của Mỹ lại rất khả quan. Giá cổ phiếu đã tăng từ 8% đến 14% trong năm 2012. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 8%. Gánh nặng nợ nần cho các hộ gia đình Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 29 năm qua và đại đa số người tiêu dùng đã tỏ ra linh hoạt hơn trong chi tiêu chứng minh qua các đợt mua sắm cuối năm với số doanh thu tăng mạnh.

Với gói thỏa thuận mới, nguy cơ rơi vào suy thoái của Mỹ đã tạm thời được gỡ bỏ. Hãng tin Bloomberg cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng hơn 2% trong năm 2013, tỷ lệ đáng thất vọng so với tiêu chuẩn trong lịch sử nước Mỹ nhưng là mơ ước với châu Âu hiện nay.

Theo ông Gary Burtless, chuyên gia thuộc Viện Brookings, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động của các nhân tố bên ngoài như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành khu vực đồng euro cũng như triển vọng ảm đạm của kinh tế Anh và Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng so với các nước phát triển khác đang chật vật tìm lời giải cho bài toán thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Mỹ vẫn có thể bật lên với những thế mạnh như không ngừng đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phát triển kỹ thuật và hướng tới phát triển các nguồn năng lượng giá rẻ.

Nếu không đạt được thỏa thuận này thì luật chống thâm hụt ngân sách do Tổng thống Bill Clinton ký ban hành năm 1993 sẽ tự động được áp dụng và lúc đó những người có thu nhập 250.000 USD/năm sẽ bị đánh thuế thu nhập đến 35%. Và khi đó, chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu có hiệu lực vào năm 2013, ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế có thể sẽ vô cùng nặng nề.

Dù việc tăng thuế và giảm chi tiêu có thể giúp chính phủ Mỹ giảm thâm hụt khoảng 560 tỷ USD, song CBO ước tính rằng chương trình này cũng sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ giảm gần 4% trong năm 2013, đồng nghĩa kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái do tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, chương trình cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 1%, đồng nghĩa nước Mỹ sẽ mất thêm 2 triệu việc làm.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục