Vừa qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) Chi nhánh phía Nam đã có buổi báo cáo tình hình hoạt động năm 2010. Theo đó, tiền tác quyền âm nhạc thu được trong năm 2010 đã đạt 138,5% so với năm trước, nên các nhạc sĩ cũng rất hài lòng và coi VCPMC là chỗ dựa của mình.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC, Chi nhánh phía Nam: “Năm 2010, thành công lớn nhất, trọng điểm nhất là việc thu tiền tác quyền trong lĩnh vực karaoke được gần 3 tỷ đồng, trong khi năm trước đó, lĩnh vực này chỉ thu rất ít ỏi, gần như bị thất thu”. Để có được sự thành công này, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm với các sở VH-TT-DL khắp các tỉnh thành, nhiều nơi người của trung tâm còn xuống tận các huyện, phường để làm việc.
Năm 2010 được xem là năm hoạt động hiệu quả của VCPMC Việt Nam nói chung và VCPMC chi nhánh phía Nam nói riêng. Trong tổng số hơn 32 tỷ đồng tiền tác quyền VCPMC Việt Nam thu được, VCPMC chi nhánh phía Nam đã thu được hơn 20 tỷ đồng (đạt 138,5% so với năm 2009) trên tất cả các lĩnh vực như nhạc chuông nhạc chờ, biểu diễn, truyền hình mặt đất, khách sạn, nhà hàng, file midi, website tải nhạc, karaoke, cà phê - bar - phòng trà, tụ điểm ca nhạc, băng đĩa nhạc, xuất bản sách nhạc, quảng cáo, siêu thị, phát sóng radio… Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị vi phạm hoặc cố tình kéo dài việc chi trả bản quyền âm nhạc, mà VTC là một ví dụ.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC Việt Nam: “Từ năm 2007 đến nay, VCPMC Việt Nam đã có 7 lần làm việc với VTC có biên bản hẳn hoi về việc yêu cầu VTC thanh toán tiền bản quyền âm nhạc, nhưng đều không nhận được sự phản hồi”. Cũng theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, có hai khó khăn mà VCPMC Việt Nam phải đối mặt, đó là nhiều đơn vị ngang nhiên không chịu trả tiền hoặc cố tình trả mức thấp đến không thể đàm phán được và có những nhạc sĩ là hội viên của VCPMC đã ký ủy thác với VCPMC Việt Nam rồi, nhưng vẫn tiếp tục ký với các đơn vị khác, gây khó khăn, rắc rối trong việc thu hồi tiền tác quyền. VCPMC Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nên nhất quán trong việc chỉ cấp phép biểu diễn, ra đĩa khi các đơn vị thực hiện đã đóng đầy đủ tiền bản quyền tác giả cho VCPMC. Đây cũng là vấn đề trong năm qua xảy ra một số tranh cãi giữa VCPMC và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), mà theo ý kiến của VCPMC đó là sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của VCPMC và RIAV.
Với mong muốn ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận về cho các tác giả, VCPMC chi nhánh phía Nam đang đề xuất với VCPMC tiếp tục giảm tiền phần trăm trích lại từ nguồn thu. Hiện nay, VCPMC Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cisac (Liên đoàn Quốc tế Các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ với 225 hiệp hội của 120 quốc gia và vùng lãnh thổ), nên các tác giả Việt Nam có thể nhận tiền tác quyền âm nhạc của mình đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký kết hợp đồng song phương với VCPMC Việt Nam.
Ngay trong buổi báo cáo kết quả hoạt động năm 2010 của VCPMC chi nhánh phía Nam, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng, phát triển website và sử dụng tác phẩm âm nhạc; trong đó có một số đơn vị tái ký lại với VCPMC chi nhánh phía Nam. Lễ ký kết là một tín hiệu lạc quan cho năm mới hoạt động hiệu quả hơn, thành công hơn. Xác định là một tổ chức phi lợi nhuận, VCPMC hướng tới việc bảo vệ quyền lợi tác giả cho các nhạc sĩ và chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc. Chính các nhạc sĩ cũng nhận thấy quyền lợi của mình được bảo đảm khi ra nhập thành viên của VCPMC. Với bất cứ một vụ vi phạm quyền tác giả nào, nhạc sĩ đều có thể tìm đến VCPMC nhờ bênh vực, giúp đỡ. Trên con đường hội nhập, phát triển, VCPMC đang ngày càng khẳng định tính chuyên nghiệp của mình, khi trở thành chỗ dựa tin cậy của đội ngũ nhạc sĩ, người sáng tác hiện nay.
Như Hoa