Năm 2011 - Dồn dập thiên tai

Năm 2011 khép lại, một trong những vấn đề nổi bật là sự tàn khốc của thiên tai. Có thể nói năm 2011, thiệt hại do thiên tai gây ra lên mức kỷ lục, gần 400 tỷ USD.
Năm 2011 - Dồn dập thiên tai

Năm 2011 khép lại, một trong những vấn đề nổi bật là sự tàn khốc của thiên tai. Có thể nói năm 2011, thiệt hại do thiên tai gây ra lên mức kỷ lục, gần 400 tỷ USD.

  • Châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại nặng nhất

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Tập đoàn Tái bảo hiểm và Bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) công bố, các thiệt hại về kinh tế bắt nguồn từ thảm họa tự nhiên trong năm 2011 đã lên tới con số 350 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử, hầu hết trong số này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2010, con số này là 226 tỷ USD.

So với năm 1980, thiệt hại toàn cầu do thiên tai gây ra tăng gấp 3 lần. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3 đã làm thiệt hại nền kinh tế nước này 235 tỷ USD. Các trận bão tại Mỹ đã gây thiệt hại 52 tỷ USD. Trận lụt lịch sử tại Thái Lan kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 11 gây thiệt hại 42 tỷ USD. Những ngày cuối năm 2011, trận bão Washi tại Philippines đã làm hơn 1.200 người chết do lũ và lở đất.

Bão Washi tràn vào Philippines những ngày cuối năm gây thiệt hại nặng nề.

Bão Washi tràn vào Philippines những ngày cuối năm gây thiệt hại nặng nề.

Theo Tổ chức khí tượng thế giới thuộc LHQ, nhiệt độ toàn cầu năm 2011 cao thứ 10 trong lịch sử và cao nhất trong các năm có hiện tượng La Nina từ trước tới nay dù hiện tượng này thường mang lại thời tiết mát. Theo các nhà khoa học, bầu khí quyển nóng lên, độ ẩm cao trong không khí càng làm khí hậu khắc nghiệt hơn. Theo dự báo của LHQ, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến lượng mưa, nhiệt độ và nước dùng cho nông nghiệp.

Dự báo đến năm 2035, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 2°C, tiếp tục làm tan các dòng sông băng, đẩy mực nước biển dâng cao. Hậu quả, nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, khu vực đông dân cư, các đồng bằng lớn, các đảo thấp trên Trái đất sẽ lần lượt chìm trong nước biển. Từ nhiều năm trước, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh nguyên nhân trực tiếp của biến đổi khí hậu là do phát thải quá mức khí nhà kính, đặc biệt là CO2, từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch trong quá trình phát triển công nghiệp. Tình trạng phá rừng và khai thác gỗ tràn lan trở thành nguyên nhân làm tăng thêm 20% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

  • Dự báo năm 2012

Hiện tượng La Nina tại khu vực biển Thái Bình Dương dự báo kéo dài sang năm 2012 sẽ có tác động đến thời tiết toàn cầu. Các nhà dự báo thời tiết cho rằng lượng mưa sẽ vượt mức trung bình ở phía Bắc và Đông Australia, lốc xoáy nhiều hơn bình thường từ tháng 4 - 11 tại nước này. Hiện lượng La Nina sẽ làm tăng cường độ các cơn bão ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, theo dự báo, mùa đông tại châu Âu và Mỹ sẽ ít khắc nghiệt hơn. Ngoài ra mùa xuân và hè trong năm 2012 sẽ khô ráo, nóng hơn bình thường nhưng dự báo mùa hè không nóng bằng năm 2011. Nhìn chung thời tiết trong vòng 1 hay 1,5 năm tới sẽ khô ráo. Đến cuối năm 2012, hiện tượng El-Nino sẽ xuất hiện khiến khí hậu ẩm ướt hơn trong năm 2013 và 2014.

Thêm vào đó, theo các nhà dự báo khí tượng, do sự dao động mạnh của khối Băng ở Bắc Cực vào năm 2010 nên gió mang hơi lạnh tràn xuống phía Nam bán cầu gây ra nhiều trận bão tuyết. Tác động này sẽ không có trong mùa đông 2011-2012. Từ tháng 1 đến tháng 3-2012, hầu hết châu Âu sẽ có thời tiết ấm hơn bình thường, theo dự báo của Cơ quan dự báo thời tiết quốc tế. Theo các quan chức Chính phủ Nhật Bản, trong tương lai gần (chưa rõ là năm 2012 hay các năm tới), tại thủ đô Tokyo sẽ xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter tạo nên một cơn sóng thần lớn nhất từ 300 - 500 năm qua. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục