Năm 2014: Xuất khẩu tăng trưởng 10%

Ấn tượng xuất siêu
Năm 2014: Xuất khẩu tăng trưởng 10%

Năm 2014, ngành công thương đặt mục tiêu xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 10%. Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ bây giờ công tác xúc tiến cần được triển khai đồng bộ và nghiên cứu, đầu tư hiệu quả những ngành hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Vận hành dệt may tại Công ty Thái Tuấn. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Vận hành dệt may tại Công ty Thái Tuấn. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Ấn tượng xuất siêu

Theo Bộ Công thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,64 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%). Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ 33%, ước đạt 43,75 tỷ USD, tăng 3,5%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ lệ 61,4% ước đạt 88,4 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2012.

Với kết quả đạt được, đây là lần thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 Việt Nam xuất siêu, trong đó năm 2012 Việt Nam xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 xuất siêu khoảng 863 triệu USD với nhiều ngành hàng đạt mức xuất khẩu ấn tượng. Cụ thể, cả năm 2013 Việt Nam xuất khẩu được tới 21,5 tỷ USD mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Đây là mặt hàng đứng vị trí số một về giá trị xuất khẩu, thay thế mặt hàng dệt may năm nay có kim ngạch khoảng 17,8 tỷ USD.

Đóng góp vào mức tăng xuất khẩu kỷ lục của mặt hàng điện thoại di động năm nay là Samsung. Đứng thứ ba trong các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm qua là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với hơn 10,6 tỷ USD và giày dép đứng ở vị trí thứ tư với kim ngạch hơn 8,3 tỷ USD... Ngoài ra, một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp cũng đạt mức xuất khẩu cao như than, sắt thép, xi măng…

Đáng chú ý, đóng góp vào kết quả xuất khẩu của cả nước năm 2013, riêng thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 22,5%; còn mức xuất siêu đạt kỷ lục khoảng 20 tỷ USD.

Đánh giá của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam cho thấy, trong những năm gần đây, thặng dư hàng hóa của Việt Nam trong buôn bán trao đổi thương mại với Hoa Kỳ liên tục tăng và đã vượt qua con số 10 tỷ USD từ năm 2010. Đến năm 2012, nhờ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cao gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường này, mức xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã lên tới 14,8 tỷ USD.

Dự báo năm 2014, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng như các quốc gia sẽ tăng trưởng khoảng 10%.

Xây dựng chiến lược dài hạn

Trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán thương mại 2013 tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2014 tăng trưởng 10%, cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như: hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thủy sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... Trong đó, tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này.

Đồng thời, không khuyến khích và có lộ trình phù hợp, hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Mặt khác, tập trung phát triển thị trường các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó, tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác những thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Trên thực tế, tính đến nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Điều này phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, để việc xuất khẩu hàng hóa được duy trì ổn định, doanh nghiệp trong nước cũng cần đầu tư xây dựng một chiến lược kinh doanh lâu dài, chuẩn bị đầy đủ từ chất lượng hàng hóa đến nhân lực có trình độ, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy, làm mất đi cơ hội.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục