Năm 2021: Số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%

Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 23-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật năm 2021.

Báo cáo cho biết, về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%. 

Với công tác PCTP, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác đấu tranh đã đạt kết quả nổi bật khi nhận diện đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Trong số này có vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La... , vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Quảng Ninh… Các vụ án trên đều có "tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực".

Tại vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các công ty liên quan, Bộ Công an đã khởi tố, bắt 7 bị can, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt của bệnh viện và bước đầu xác định sai phạm tại 2 gói thầu đã gây thất thoát trên 40 tỷ đồng.

Về công tác PCTP, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo cũng cho biết, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tiếp tục đi vào nền nếp; đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Sai phạm trong công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giảm mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 88,81%.

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2022, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; tăng cường đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các yêu cầu quản lý xã hội…

Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng, giải thích pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đề nghị Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Tin cùng chuyên mục