Nắm bắt cơ hội


Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) nhiều khả năng sẽ chấp thuận cho Giải bơi vô địch các nhóm tuổi toàn quốc 2021 của Việt Nam được xét chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020.

Sự kiện sẽ diễn ra tại hồ bơi Phú Thọ (TPHCM), nhưng FINA sẽ giám sát thành tích bằng chuyên gia và hệ thống đồng hồ tính điểm tự động. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử bơi lội Việt Nam, cũng là lần hiếm hoi mà một giải đấu quốc nội được lấy thành tích để xét chuẩn Olympic, điều mà chúng ta chỉ hay nghe ở thể thao nhà nghề Mỹ.

Tất nhiên, ưu ái trên xuất phát từ hoàn cảnh khi bơi lội thế giới bị ảnh hưởng vì Covid-19, không có cơ hội cho các VĐV tranh tài ở những giải quốc tế để tính chuẩn. Bên cạnh đó, bơi lội Việt Nam vẫn ở một trình độ yếu, đa số những vé dự Olympic thường là chuẩn B, có đến dự thì phải tranh vòng sơ loại. Cụ thể như hiện nay, chỉ mới có Nguyễn Huy Hoàng đạt 2 chuẩn A, còn 4 VĐV khác thì mới đủ chuẩn B. Trong số này chưa có Nguyễn Thị Ánh Viên, người 5 năm trước dự Olympic 2016 với chuẩn A, thi đấu vòng loại chính thức.

Nhưng câu chuyện có tính lịch sử này lại mở ra một góc nhìn thú vị với thể thao Việt Nam (TTVN). Đại dịch Covid-19 làm thay đổi rất nhiều cách vận hành của thể thao thế giới. Các khái niệm tưởng là xa lạ như thi đấu trực tuyến (dành cho các môn biểu diễn), thi đấu ảo (Visual Competition) xuất hiện liên tục suốt gần 2 năm qua. Các môn thể thao trực tuyến (E-sports) phát triển và bây giờ, thậm chí không cần phải ra nước ngoài thi đấu ở một giải nằm trong hệ thống quốc tế vẫn có đủ điều kiện về mặt kỹ thuật. Đấy là chưa kể đến các thuật ngữ như “hộ chiếu vaccine” có thể cũng là một trong những tiêu chuẩn thi đấu thời gian tới.

Dịch bệnh khiến hoạt động của TTVN nhiều lần ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo VĐV để tham dự các sự kiện khu vực và châu lục, trong đó có vòng loại Olympic 2020. Nhưng khi các sự kiện thi đấu quốc tế đang đến gần, là Tokyo 2020, là vòng loại World Cup 2022, SEA Games 31 và AFF Cup 2020… thì ngành TDTT buộc phải hành động. Tổng cục TDTT đã đề xuất Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ đề nghị tiêm vaccine Covid-19 cho VĐV ở 12 đội tuyển (bắn súng, bơi lội, điền kinh, thể dục, judo, karatedo…), kịp giúp họ lên đường tham dự các giải thi đấu, để vừa trui rèn chuyên môn, vừa tranh đoạt những tấm vé chính thức đến Tokyo 2020, nơi mà chúng ta đặt chỉ tiêu phải có 20 đại diện góp mặt.

Đây vừa là một cuộc chạy đua với thời gian của TTVN nhằm đảm bảo vị thế của mình ở đấu trường quốc tế, hướng đến mục tiêu quan trọng khác, chính là tổ chức thành công và chiếm giữ thứ hạng cao tại SEA Games 31 vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, nó cũng đặt ra cho các nhà quản lý những thách thức về mặt tài chính và cách thức chuẩn bị cho những biến cố khác trong tương lai. Rõ ràng, bên cạnh việc tìm kinh phí để đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu còn có thêm gánh nặng tài chính trong việc bảo đảm sức khỏe VĐV, phòng ngừa những rủi ro về dịch bệnh để đáp ứng một số quy định mới. Ở khía cạnh tổ chức, là những yêu cầu mới về cơ sở vật chất, vốn là điểm yếu của TTVN khi đã rất lâu rồi chúng ta không đăng cai sự kiện tầm cỡ châu Á, thế giới. Trong tương lai, việc sở hữu các cơ sở hiện đại, công nghệ thi đấu tiên tiến sẽ giúp một số môn TTVN đủ tiêu chuẩn xét duyệt Olympic mà không cần phải ra nước ngoài thi đấu. 

Trong hoàn cảnh mà TTVN vẫn còn thua sút thế giới về nhiều mặt, vẫn còn yếu ở tính chuyên nghiệp, thì khả năng tận dụng tốt các cơ hội bất ngờ xuất hiện để giúp VĐV đạt thành tích cao, là một nhiệm vụ quan trọng của giới quản lý. Nói cách khác, chúng ta phải luôn giữ được khát khao, tập trung vào những cơ hội nhỏ nhất, duy trì được tinh thần Việt Nam trong thi đấu, thì thành tựu sẽ đến.

Tin cùng chuyên mục