(SGGP).- “Hạn hán sẽ kéo dài, nước mặn xâm nhập cao hơn lên thượng nguồn sông Mê Công, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đặc biệt, mức độ sẽ nghiêm trọng hơn do nước biển dâng và lượng mưa thay đổi”. Đó là cảnh báo của các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Hạ tầng và những thách thức của biến đổi khí hậu”, tổ chức tại Cần Thơ ngày 19-11.
Các nhà nghiên cứu hàng đầu về cấp nước đã đưa ra nhận định: Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nặng đến việc sản xuất nước sạch ở ĐBSCL, thậm chí có nơi như Sóc Trăng đã phải ngưng hoạt động một số giếng sâu do nước nhiễm mặn cao. Trong khi đó, chất lượng nguồn nước ngầm và nước mặt đang đối diện với nguy cơ xấu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để ngành cấp nước trong khu vực đối phó với tình huống suy giảm nguồn nước, hạn hán kéo dài. Trong đó, Trà Vinh đã thực hiện giải pháp tạo hồ chứa nước thô trên sông Láng Thé. Nếu thành công, hồ chứa nước này có thể cung cấp lượng nước thô đủ dùng cho TP Trà Vinh.
Đặc biệt, dự án “Biến đổi khí hậu và cấp nước ở ĐBSCL” với số vốn 270 tỷ đồng, được đồng tài trợ bởi Quỹ nước bền vững Hà Lan, hoạt động từ năm 2013 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nổi lên là xây dựng kế hoạch sẵn sàng thích ứng biến đổi khí hậu cho ngành cấp nước; tăng khả năng tiếp cận với nước sạch cho các gia đình thu nhập thấp; giảm lượng nước tiêu thụ của ngành công nghiệp trong vùng.
CAO PHONG