Năm gia đình, ngày gia đình

Năm 2013 được chọn làm Năm gia đình Việt Nam. Đây là cơ hội nhằm nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, chức năng gia đình trong đời sống xã hội, trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Gia đình là tổ ấm thiêng liêng của con người, là chiếc nôi - đùm bọc che chở cho con người. Gia đình là một tổng thể đa chức năng: chức năng sinh sản - đảm bảo sự phát triển liên tục và trường tồn, chức năng giáo dục - hình thành nhân cách, chức năng kinh tế - tổ chức đời sống gia đình… Gia đình là nơi tái tạo con người Việt Nam. Trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, gia đình Việt Nam vẫn là nơi gìn giữ, phát huy truyền thống, chuẩn mực giá trị cao đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc: yêu quê hương, đất nước, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù lao động sáng tạo, bất khuất kiên cường chống giặc ngoại xâm…

Ngày nay, mô hình gia đình truyền thống đang bị tác động bởi lối sống hiện đại. Gia đình ít người, ít thế hệ cùng chung sống ngày càng nhiều hơn. Mỗi thành viên trong gia đình được tạo điều kiện để có thể có không gian tự do hơn. Do công việc, học hành… bận rộn, bữa cơm chung nhiều lúc thiếu vắng những thành viên. Quan hệ gia đình như lỏng lẻo hơn. Không ít người lớn tuổi lâm vào tình cảnh cô đơn trong ngôi nhà của mình. Không ít trẻ nhỏ ở suốt trong trường, còn về nhà thì dán mắt vào màn hình, giao tiếp ảo có khi nhiều hơn. Tình trạng ly hôn có xu hướng tăng. Bạo lực gia đình cũng không giảm mạnh. Hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình vẫn còn. Trong khi môi trường xã hội còn có những tệ nạn rình rập, còn là những thách thức, những nỗi lo. Những xung đột, kiện tụng, tranh chấp từ nội bộ gia đình cùng những cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình cũng là những hiện tượng không thể xem nhẹ của gia đình, xã hội.

Gia đình là nền tảng, thiết chế cơ bản của xã hội, là nơi nương tựa quan trọng nhất của con người. Dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định nhưng sự đùm bọc, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cửu, vẫn là những giá trị truyền thống tốt đẹp có sức sống lâu bền. Các giá trị đạo đức gia đình, giá trị phát triển con người, giá trị văn hóa, cộng đồng từ gia đình…vẫn là hành trang quý giá cho các thế hệ con người Việt Nam.

“Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã nêu rõ những mục tiêu hướng tới là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Trong đó coi trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, của mỗi gia đình và từng cá nhân. Từ mục tiêu chung, các chính sách giúp phát triển kinh tế gia đình, các dịch vụ giáo dục, y tế (bác sĩ gia đình), nhà ở, nước sạch… nhằm giảm bớt gánh nặng của gia đình, nâng cao chất lượng sống cũng sẽ được quan tâm toàn diện hơn. Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, thực hiện pháp luật…góp phần tích cực phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Để xã hội phát triển toàn diện, mỗi gia đình cần quan tâm giữ gìn nền nếp, gia phong, gia đạo. Trong đó các bậc làm cha mẹ có lối sống, ứng xử đúng mực, có trách nhiệm nêu gương cho con cháu. Gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa với những nội dung thiết thực, phù hợp, làm tốt phòng ngừa xã hội đối với những vấn đề bức xúc đang đặt ra.

Những ngày vừa qua, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, nhất là ở các phường, các khu phố đã tổ chức những ngày hội gia đình, những hoạt động nhằm kết nối yêu thương, biểu dương những gia đình văn hóa, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng kỹ năng làm cha, làm mẹ… có tác dụng tốt đối với đời sống cộng đồng và đối với mỗi gia đình.

Gia đình là chuyện của hiện tại, của dài lâu; là nơi chốn bình yên, hạnh phúc cần được giữ gìn, vun đắp không chỉ được nhắc nhớ trong ngày gia đình, trong năm gia đình.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục