Năm học 2020-2021: Tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục

Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành giáo dục.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021. Giám đốc các sở GD-ĐT tham mưu với UBND tỉnh thành ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.

Những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học. 

Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trong năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT cũng sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức triển khai thực hiện đề án sau khi ban hành; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo…

Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, ngành giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1. Song song đó, tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Tin cùng chuyên mục