Nam Trung bộ khẩn trương chống bão

* Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toànTrước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, các tỉnh thành Nam Trung bộ đang khẩn trương chuẩn bị các phương án chống bão.

* Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, các tỉnh thành Nam Trung bộ đang khẩn trương chuẩn bị các phương án chống bão.

  • Bão số 1 hướng thẳng vào đất liền

Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương cho biết, chiều 30-3, vị trí tâm bão số 1 đã ở vào khoảng 9,8 độ vĩ Bắc và 110,9 độ kinh Đông, chỉ còn cách đảo Phú Quý khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. So với một ngày trước đó, bão đã tăng lên một cấp. Hiện sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt cấp 9-10, giật cấp 11-12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Chiều 31-3, tâm bão sẽ chỉ còn cách bờ biển Ninh Thuận – Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương nhận định, với hướng di chuyển như trên, bão số 1 đang hướng thẳng vào đất liền và có thể ảnh hưởng tới các tỉnh ở Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Khoảng trưa và chiều 1-4, bão có thể vào tới đất liền.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa hiện đang có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12. Biển động dữ dội. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu từ chiều 31-3 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, rồi cấp 8-9, giật cấp 9-10.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh thành ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các cơ quan liên quan yêu cầu lên phương án sơ tán dân ở vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các địa phương có hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần chủ động điều tiết nếu xảy ra mưa to.

  • Triển khai các phương án cứu hộ

Đại tá Nguyễn Đức Phúc, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi có thông tin về bão số 1, lực lượng biên phòng Khánh Hòa đã liên lạc với toàn bộ các tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển và đến nay, đa số các tàu thuyền đã tìm được chỗ neo đậu an toàn.

Riêng đối với 8 tàu đánh cá của ngư dân Khánh Hòa đang hoạt động xa bờ, do sóng to gió lớn không thể trú ẩn tại vùng biển Việt Nam nên Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã báo cáo cơ quan chức năng nhờ Bộ Ngoại giao can thiệp cho các tàu này vào trú bão tại vùng biển Malaysia. Hiện phía Malaysia đã chấp thuận cho các tàu trên vào trú ẩn an toàn.

Tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến chiều ngày 30-3, trên địa bàn Phú Yên vẫn còn 220 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương với 2.045 lao động đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm. Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên liên tục thông tin hướng di chuyển của bão đến các chủ tàu, đồng thời yêu cầu các phương tiện nhanh chóng ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão và tìm nơi tránh trú.

Riêng tàu cá PY-90945TS, do ông Trần Văn Thảo (SN 1978, ở phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) có 9 lao động bị nạn vào ngày 28-3 tại vùng biển Trường Sa, đã được tàu Hải quân Việt Nam cứu hộ, đưa về neo đậu tại đảo Đá Lớn.

Do ảnh hưởng của bão, trong ngày 30-3, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa vừa trên diện rộng. Nếu mưa kéo dài, hơn 20.000ha lúa đông-xuân sắp thu hoạch có nguy cơ ngập úng. Tỉnh Phú Yên đã có công điện khẩn gửi các đơn vị trong tỉnh yêu cầu sẵn sàng phòng chống bão. Trong đó, phải nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đang vào mùa, tránh thiệt hại do bão gây ra.

Tính đến 17 giờ ngày 30-3, trên vùng biển Ninh Thuận có 230 tàu cá đang hoạt động, riêng Ninh Thuận có 125 tàu, chủ yếu hoạt động gần bờ. Hiện các tàu thuyền đã nhận được lệnh vào bờ trú ẩn nhưng còn khoảng 100 tàu thuyền vẫn đang trên đường vào.

Tỉnh Bình Thuận cũng vừa có công điện khẩn gửi các ban ngành về công tác phòng chống bão số 1. Theo đó, cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển; đồng thời kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền đang đánh bắt trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, tỉnh đang khẩn trương kiểm tra các hồ chứa nước, phương án tích nước bảo đảm an toàn hệ thống kè, đê điều, yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét khi bão đổ bộ đến. 

PH. VĂN - V. NGỌC - NG. VŨ  

23 ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn 

Sáng 30-3, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Tàu cá QNg-90046 TS của ông Phạm Văn Mãng, trên tàu có 12 ngư dân và tàu cá QNg-90252 TS của ông Phạm Văn Quang, trên tàu có 11 ngư dân (đều ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị hỏng máy, đang trôi dạt trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Trong lúc chờ cứu hộ, hai tàu này đã cột dính lại với nhau và trôi dạt tự do với tốc độ khoảng 2 hải lý/giờ. Các lực lượng chức năng Quảng Ngãi đã liên lạc với các tàu cá đánh bắt trong khu vực để hỗ trợ ứng cứu.

Cùng ngày, tàu cá QNg-96597 TS của ông Dương Văn Thọ (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn) đã cứu vớt và đưa toàn bộ 14 ngư dân trên tàu cá KH-95977 TS của ông Đặng Văn Pháp (ở Khánh Hòa) bị nạn trên biển, vào đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) an toàn.

H. MINH

- Thông tin liên quan:

>> Chủ động đối phó cơn bão số 1

>> Bão số 1 đang tiến vào bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận

Tin cùng chuyên mục