ĐBSCL không chỉ là “vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” mà còn là một trong các “trung tâm năng lượng quốc gia”.
Theo đó, nhiều trung điện lực đã hình thành và đi vào hoạt động như: khí - điện - đạm Cà Mau, nhiệt điện ở Ô Môn (Cần Thơ), Duyên Hải (Trà Vinh). Theo quy hoạch, nhiều trung tâm điện lực mới đang và sẽ được đầu tư như nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, 2, 3 (Sóc Trăng), Sông Hậu 1, 2 (Hậu Giang), Tân Phước 1, 2 (Tiền Giang), Long An 1, 2… để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Song vai trò “trung tâm năng lượng quốc gia” của ĐBSCL cũng đang tác động đến môi trường, đời sống xã hội và sinh kế của người dân, đe dọa phá vỡ đa dạng sinh học ở vùng Đồng Tháp Mười hay các vùng nuôi thủy sản ven biển Trà Vinh, Bạc Liêu hay dọc sông Hậu.
Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (QH điện VII) đã giảm công suất, số lượng nhà máy, giảm tổng nguồn phát điện than cả nước, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Cụ thể, cả nước giảm 18 nhà máy, tổng công suất nhà máy điện than chỉ còn chiếm 42,7% (so với 52% trước đây) trong tổng công suất nguồn phát điện cả nước. Tổng công suất nguồn điện than ở ĐBSCL cũng giảm khoảng 4.000MW, loại bỏ 5 nhà máy nhiệt điện than là An Giang, Sông Hậu 3 (Hậu Giang) và các nhà máy điện Kiên Lương 1, 2, 3 (Kiên Giang). Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương loại dự án nhiệt điện Cái Cùng (Bạc Liêu) ra khỏi QH điện VII để bảo đảm môi trường nuôi trồng thủy sản, trong bối cảnh tỉnh có nguồn phát triển điện gió.
Tuy nhiên, vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản ĐBSCL vẫn còn phải tiếp tục gánh nhiều dự án nhiệt điện than khác. Theo tổng sơ đồ điện VII, từ nay đến năm 2020 và tiếp sau đó, ĐBSCL đã và đang hình thành các trung tâm nhiệt điện than tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An và hầu hết đặt gần các cửa sông. Đáng chú ý, các nhà máy điện than được bổ sung quy hoạch tại 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Trong đó, 2 nhà máy điện Tân Phước 1 và 2 (Tiền Giang) sẽ “tiến” vào vùng Đồng Tháp Mười - “túi nước tự nhiên” và nhạy cảm với đa dạng sinh học của ĐBSCL.
Chia sẻ tại hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường - Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra tại TP Cần Thơ hôm 19-9 vừa qua, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), dẫn thông tin từ Liên minh Bảo vệ nguồn nước quốc tế Dona Lisenby cho biết, nhiệt điện than là loại tiêu tốn nhiều nước nhất. Theo tính toán của chuyên gia dựa trên công suất thiết kế, công nghệ sử dụng, thì để sản xuất 1MWh điện, cần phải dùng tới 4.163 lít nước; trong đó, 95% lượng nước dùng để làm mát. Vì vậy, ít nhất mỗi trung tâm nhiệt điện than cần khoảng 4,5 triệu m3 nước/ngày đêm, gấp 3 lần nhu cầu sử dụng nước của toàn TP Hà Nội. Đáng lo ngại nếu lượng nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra các vùng nuôi thủy sản, cửa sông Hậu hay vùng sinh thái nhạy cảm như Đồng Tháp Mười (trong trường hợp nhà máy điện Tân Phước 1, 2 được xây dựng).
Nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường của nhà máy điện than ở ĐBSCL không phải chỉ vậy, vì còn việc nhập than đến xử lý tro xỉ, khói bụi... Vì vậy, tìm đáp án cho việc lựa chọn đặt nhà máy nhiệt điện than ở đâu để không ảnh hưởng đến cộng đồng; có thể kiểm soát được chất lượng, lựa chọn công nghệ phù hợp… để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân luôn là bài toán khó. Yêu cầu đặt ra không chỉ là việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy điện than mà quan trọng hơn là phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, công nghệ đốt than, xả thải bụi, khói và nước thải, công khai minh bạch quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy. Bởi nếu xảy ra sự cố với vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản quốc gia và vùng nhạy cảm như Đồng Tháp Mười thì hậu quả là rất nghiêm trọng.
TRẦN HỮU HIỆP