Nan giải điều tiết hồ thủy điện Sơn La trước bão số 4

Theo dự báo, bão số 4 cùng các tổ hợp thời tiết xấu sẽ gây mưa, lũ, lụt ở nhiều nơi trên cả nước. Không chỉ các đô thị lớn đứng trước nguy cơ ngập nước mà các hồ thủy điện có thể bị đe dọa nếu không điều tiết kịp thời.
Lũ quét tràn vào huyện Nậm Pồ (Điện Biên) ngày 17-8, cuốn trôi nhiều nhà cửa, lớp học. Ảnh: NGỌC HÀ
Lũ quét tràn vào huyện Nậm Pồ (Điện Biên) ngày 17-8, cuốn trôi nhiều nhà cửa, lớp học. Ảnh: NGỌC HÀ

Bão số 4 gây mưa dài ngày

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông báo, ngày 18-8, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã bất ngờ mạnh lên thành cơn bão số 4 (có tên quốc tế là Higos), tốc độ di chuyển nhanh. Cùng ngày 18-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước để triển khai nhiệm vụ phòng chống, ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, ngập do hoàn lưu bão ở miền Bắc và miền Trung, do gió mùa Tây Nam ở Nam bộ, Tây Nguyên gây ra.

Theo nhận định sơ bộ của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thì bão số 4 sẽ đi vào đất liền Trung Quốc, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi áp thấp, di chuyển hướng về biên giới Việt - Trung và khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Do đó, hoàn lưu của bão sẽ gây thời tiết nguy hiểm, mưa lớn kéo dài thêm nhiều ngày tới ở đồng bằng và miền núi Bắc bộ. Các chuyên gia khí tượng cũng cảnh báo, những xoáy thuận hoạt động ngay trên Biển Đông như bão số 4 cũng sẽ trực tiếp kích hoạt gió mùa Tây Nam ở Nam bộ và Tây Nguyên, gián tiếp gây mưa to cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam nước ta.

Hiện tại, mặc dù bão số 4 chưa trực tiếp ảnh hưởng đất liền, nhưng tại cuộc họp giao ban ngày 18-8, các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, tình hình mưa lớn vẫn đang tiếp diễn ở miền Bắc và còn kéo dài trong những ngày tới. Sau đó, hoàn lưu cơn bão số 4 sẽ tiếp tục “bồi” mưa lũ cho miền Bắc, trong khi các đợt dư chấn động đất vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây là tổ hợp thiên tai bất lợi trong công tác ứng phó của các địa phương.

Cân đo giữa tích nước và xả lũ

Để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn, ngày 18-8, bộ đội biên phòng tuyến biển đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, có 429 tàu cá hoạt động trong khu vực dự báo sẽ bị ảnh hưởng của bão.

Đáng lưu ý, trong số 204 hồ chứa hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công trên cả nước thì khu vực miền núi phía Bắc có 81 hồ chứa hư hỏng và 51 hồ đang thi công. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hiện đang là mùa lũ chính ở miền Bắc, nhưng hồ thủy điện Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m và hiện mực nước ở hồ Sơn La chỉ còn cách cao trình xả tràn gần 1m. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lưu lượng nước về hồ Sơn La hiện nay vào khoảng 5.230m3/giây, trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/giây.

Trong khi theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, mưa lớn do bão số 4 ở miền Bắc tiếp tục xảy ra từ ngày 20 đến 22-8. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm, dự kiến đến ngày 21-8, lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/giây nên mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho rằng, thời tiết đang có tổ hợp bất lợi. Quan ngại nhất hiện nay là hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đà, trọng tâm là hồ thủy điện Sơn La, cần có phương án đảm bảo an toàn cho hạ du vừa ổn định để phát điện cho cả nước. Do đó, cơ quan khí tượng cần tính toán sớm và cụ thể hơn về thời điểm xảy ra mưa lũ để Ban Chỉ đạo Trung ương có quyết định chính xác trong vận hành hồ Sơn La, trên tinh thần an toàn cho cả nhà máy thủy điện và an toàn cho hạ du sông Đà, an toàn cho thủ đô Hà Nội, song cũng phải đảm bảo tích được nhiều nước nhất có thể để phục vụ cho phát điện và sản xuất vì tháng 9 là hết lũ.

8 người chết và bị thương

Thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 17 giờ ngày 18-8, mưa lũ đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 4 người bị thương.

Một người chết do sạt lở đất tại tỉnh Lai Châu là ông Phàn A Túc, 44 tuổi, trú tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường và người thứ hai tại tỉnh Thái Nguyên là chị Trần Thuy Linh, 33 tuổi, ngụ tại xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên; 2 người bị cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn tại tỉnh Vĩnh Phúc là 2 mẹ con chị Lưu Thị Hạnh và cháu Lưu Quỳnh Như ở xã Ngọc Thanh, TP Vĩnh Yên (chiều cùng ngày đã tìm được thi thể); 4 người bị thương tại tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên.

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, đường giao thông, hoa màu tại Yên Bái, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Tại Tây Nguyên, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk làm 536 ngôi nhà dân bị ngập, cô lập. Chính quyền các địa phương đang triển khai khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.

Tin cùng chuyên mục