Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các cấp ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ giám sát.

Sáng 7-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 13 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về lãnh đạo thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030” (Đề án số 06-ĐA/TU).

Các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, dự hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao đổi cùng đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao đổi cùng đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Còn lúng túng xác định nội dung, đối tượng giám sát

Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 13 và Đề án 06-ĐA/TU, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, tổ chức các hội nghị chuyên đề và chọn một số quận, huyện, TP Thủ Đức làm điểm trong việc thực hiện giám sát theo đề án.

Hầu hết các đơn vị, cá nhân được giám sát đều nghiêm túc thực hiện nội dung báo cáo theo yêu cầu và giải trình cụ thể những vấn đề mà đoàn giám sát đặt ra. Qua triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị 13 và Đề án 06-ĐA/TU đã giúp Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố tích lũy thêm những kinh nghiệm, góp phần vào việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động giám sát.

Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc xác định phương pháp giám sát, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát. Đồng thời chưa xác định rõ đối tượng, nội dung giám sát, cũng như chưa nắm vững nội dung, đối tượng giám sát của nhân dân, cho nên chưa chủ động triển khai tổ chức giám sát.

Bên cạnh đó, một số địa phương, việc phối hợp tổ chức các hội nghị nhân dân cấp quận, cấp phường giữa UBND với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp chưa chặt chẽ, việc giám sát kết luận giải quyết các ý kiến, kiến nghị của tổ dân phố, khu phố chưa được thực hiện thường xuyên.

Chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ giám sát

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận xét, công tác giám sát và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Chỉ thị 13 được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt được những kết quả tích cực.

Song hoạt động giám sát này vẫn còn một số hạn chế. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Các đề xuất, kiến nghị sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị còn hạn chế, thiếu quyết liệt.

Một số tổ chức, cá nhân cũng chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; chưa phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân ngay tại cộng đồng.

Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các cấp ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác giám sát. Đồng thời, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ giám sát; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc phối hợp giám sát và chịu sự giám sát của nhân dân thông qua hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương. Việc chọn các nội dung, chuyên đề giám sát phải là những nội dung được dư luận xã hội, người dân quan tâm; ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Như vậy, việc giám sát mới mang lại những kết quả như mong muốn.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên để góp phần đấu tranh ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó, đồng chí yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cùng với đó, hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tham gia và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở cơ sở.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến thông tin, hơn một năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 13 và Đề án 06-ĐA/TU; tổ chức các hội nghị chuyên đề để đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện, trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hay giữa các đơn vị trong hệ thống MTTQ.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giám sát để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Tin cùng chuyên mục