* PHÓNG VIÊN: Ông có thể khái quát những điểm trọng tâm mà thành phố mong muốn đạt được thông qua văn bản kế hoạch 1380 vừa được Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Trưởng ban ATGT thành phố ký ban hành?
* Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong năm 2019 vừa được ban hành, gọi tắt là kế hoạch 1380, nhắm đến nhiều mục đích. Trước hết là nhằm nâng cao nhận thức và ý thực tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Phấn đấu kéo giảm 5% - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra so với năm 2018. Hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải và vận tải hành khách, người đi mô tô, xe máy. Giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung các giải pháp xử lý 28 điểm được nhận diện có nguy cơ ùn tắc giao thông. Cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và tăng cường công tác phối hợp giữa các sở ban ngành, ủy ban nhân dân các quận huyện nhằm tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong các hoạt động, triển khai thực hiện công tác giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
* Theo ông, có những yêu cầu gì đặt ra cho các sở ban ngành trong việc phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch 1380?
* Các cấp, ngành từ thành phố đến phường, xã, thị trấn được yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Các sở ban ngành, đoàn thể thành viên Ban ATGT thành phố và ban ATGT các quận, huyện được yêu cầu xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức cũng như các giải pháp, hành động phải thiết thực, cụ thể. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Ban ATGT thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt trong quản lý điều hành vận tải, điểu khiển giao thông, giám sát và xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Ảnh: THÀNH TRÍ
* Chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cần được đổi mới và nâng cao hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Nội dung tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, đúng đối tượng để mỗi người dân tự giác có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tượng được tuyên truyền, nội dung cần biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, nhất là hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chú trọng tuyên truyền pháp luật, văn hóa giao thông đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện giao thông. Vận động để người dân tích cực hỗ trợ trực tiếp tuyên truyền cho gia đình, người thân và cộng đồng dân cư nơi mình cư trú; qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” và phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.
Chủ đề của năm ATGT 2019 là “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, do đó công tác tổ chức hoạt động tuyên truyền cũng cần bám sát chủ đề này, tập trung vào các vấn đề kiểm soát tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, an toàn đường ngang đường sắt, an toàn bến khách ngang sông. Trong đó chú trọng tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, lưu thông quá tốc độ cho phép, chở hàng vượt tải trọng, xe máy lưu thông vào làn đường dành cho ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy…
Về giao thông đường thủy, tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa giao thông đối với người tham gia giao thông đường thủy nội địa.
* Là cơ quan chuyên trách tham mưu cho chính quyền thành phố về đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, trong thời gian tới Ban ATGT thành phố sẽ đưa ra những chương trình gì đáng chú ý?
* Chúng tôi đã và đang tiếp tục xây dựng nhiều chương trình công tác khác nhau. Có thể nhắc đến vài hoạt động như tiếp tục thực hiện chương trình “Vòng tay nhân ái chia sẻ nỗi đau tai nạn giao thông”, thông qua việc vận động hỗ trợ chăm lo, xây dựng nhà tình thương cho nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện chương trình với tên gọi “Giữ trọn ước mơ”, qua đó tặng nón bảo hiểm cho đối tượng là học sinh lớp một.
Ban ATGT cũng sẽ phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trong năm 2019 trên địa bàn thành phố.
Ban ATGT TPHCM cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình, hội thi lái xe an toàn, vận động công nhân, học sinh, sinh viên tham gia đi làm, đi học bằng xe đưa rước, tổ chức tuyên truyền bằng loa phát thanh tại các giao lộ.Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an TPHCM tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình “Vì ATGT toàn cầu” giai đoạn 2015-2019 do Quỹ Bloomberg tài trợ. Phối hợp với UBMTTQVN TPHCM và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát cơ quan thực thi công vụ về đảm bảo trật tự ATGT năm 2019.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA BAN ATGT TPHCM - Ban Pháp chế HĐND TPHCM: Có kế hoạch phối hợp và tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình thực hiện của các quận huyện và đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2021”; trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện giám sát công tác đảm bảo trật tự ATGT, công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè đối với các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố. - Liên đoàn Lao động TPHCM: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. - Hội Cựu chiến binh TPHCM: Tiếp tục thực phối hợp thực hiện cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông” giai đoạn 2018-2023 trong các cấp hội. Gương mẫu thực hiện và làm nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định về ATGT bằng những mô hình sáng tạo như Tổ tự quản, Đoạn đường tự quản… - Thành đoàn TPHCM: Tập trung đổi mới tuyên truyền pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong đoàn viên, thanh niên nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”. Lựa chọn công việc phù hợp để tạo phong trào trong tuổi trẻ, đặc biệt quan tâm xây dựng các giải pháp tuyên truyền về văn hóa giao thông trong học sinh, thanh niên công nhân, thanh niên trên địa bàn dân cư, thanh thiếu niên chậm tiến… - Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM: Tăng cường tuyên truyền cho đối tượng là cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Đội nón bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông vì sự an toàn của trẻ”, “Phụ nữ TPHCM tích cực tham gia giữ gìn trật tự ATGT”, duy trì và nhân rộng mô hình “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang giao thông để buôn bán, phơi nông sản... gây ách tắc giao thông và tai nạn giao thông”… - Hội Nông dân TPHCM: Thực hiện công tác giáo dục, vận động và tuyên truyền việc chấp hành luật ATGT nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân nông thôn và hội viên tại các huyện ngoại thành. - Ban Dân tộc TPHCM: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả. |