Hội đồng Nhân dân TPHCM

Nâng cao hoạt động giám sát quản lý đô thị

1.
Nâng cao hoạt động giám sát quản lý đô thị

Việc quản lý một đô thị lớn như TPHCM đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân TP gần đây đã tập trung chủ đề nóng bỏng mà cũng rất chiến lược này nhằm đi sâu vào bản chất vấn đề, làm rõ nguyên nhân hạn chế, góp phần thúc đẩy TP phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Hoạt động giám sát của HĐND thông qua việc xem xét các báo cáo, thành lập đoàn giám sát, chất vấn tại kỳ họp, giữa hai kỳ họp… Những vấn đề nổi lên qua giám sát về quản lý đô thị là:

1. Về quy hoạch, mặc dù TPHCM đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2020 nhưng chưa đồng bộ. Hiện còn nợ về quy hoạch chi tiết 1/2000 ở các khu đô thị hóa. Kể cả còn nợ việc xác định cốt nền, chiều cao xây dựng gắn với những quy định về kiến trúc cảnh quan… trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.

Nâng cao hoạt động giám sát quản lý đô thị ảnh 1

Đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa chất vấn về chất lượng xây dựng công trình giao thông TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có nơi, có lĩnh vực có quy hoạch rồi nhưng đã lạc hậu, không phù hợp hoặc không khả thi. Người dân vẫn còn phàn nàn tại sao còn nhiều khu “quy hoạch treo”, có quy hoạch rồi nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện, có thực hiện không, mù mờ quá. Việc chậm trễ trong quy hoạch hoặc quy hoạch chưa rõ ràng nhiều khi gây hậu quả và rất tốn kém. Hiện nay, giải tỏa, chỉnh trang 1km đường ở một số tuyến đường trong khu vực trung tâm ở Hà Nội lên đến 40 triệu USD, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TPHCM cũng mất 14 triệu USD.

Báo cáo về vấn đề này, một số ngành chức năng có liên quan đã rất thành khẩn và cầu thị cho rằng trình độ cán bộ như bị hụt hẫng trước yêu cầu mới. Vấn đề đặt ra ở đây là không chỉ có vốn, có tiền mà còn là đội ngũ cán bộ phải có tầm. Cần thiết phải mời thêm chuyên gia làm quy hoạch như TP đã cho nước ngoài làm quy hoạch khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, mời chuyên gia nước ngoài làm quy hoạch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thường trực UBNDTP cho biết sẽ tập trung chỉ đạo để cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết trong năm 2006 cũng như tiếp tục quản lý tốt hơn sau quy hoạch.

2. Ùn tắc giao thông, ngập nước nội thị là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Thành phố đã có nhiều cố gắng để khắc phục nhưng vẫn còn 50 điểm ngập nước vào mùa mưa, hơn 25 điểm bị ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Vấn đề này có nguyên nhân từ gia tăng dân số, phương tiện giao thông, từ công tác quản lý, quy hoạch xây dựng, vốn đầu tư… Để giải tỏa ùn tắc giao thông, chống ngập nước cần hàng chục tỷ đô-la.

Hiện nay, tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản của ngân sách mỗi năm hơn 10.000 tỷ đồng cùng với vốn ODA và huy động mỗi năm thêm vài ngàn tỷ nữa cũng không đủ cho sự phát triển của TP. Có lần lãnh đạo Sở Giao thông Công chính nói lên một thực tế là nếu đầu tư kiểu này thì đến năm 2013 mới giải quyết cơ bản vấn đề ngập nước. Dân nghe không vui vì muốn tiến độ phải nhanh hơn nhiều. Do vậy, cùng với việc nâng cao tầm nhìn, hoàn thành xây dựng quy hoạch, tôn tạo TP cũ, kiến tạo TP mới, làm nên những khu đô thị mới văn minh, hiện đại phải có cơ chế, chính sách huy động vốn.

Đã đến lúc cần có luật cho những đô thị lớn, có cơ chế tài chính phù hợp thì mới có sự phát triển mang tính bứt phá. Trong khi chưa có luật, một mặt TP phải vừa đề xuất với cấp trên, mặt khác phải vừa huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức. Được biết 1/6 dự án làm tàu điện ngầm có thể triển khai vào năm 2006. Các dự án còn lại có thể triển khai trong những năm tới. Và bằng mọi biện pháp tích cực, trong nhiệm kỳ tới TP có thể giải quyết cơ bản vấn đề ngập nước, cũng như có lối ra trong việc xử lý ùn tắc giao thông.

Nâng cao hoạt động giám sát quản lý đô thị ảnh 2

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo. Ảnh: Đ.V.D.

3. Chất lượng xây dựng cơ bản những công trình có vốn đầu tư từ ngân sách cũng là vấn đề người dân, đại biểu HĐND TP quan tâm. Mô hình “sắt ngoài bê-tông” của đại biểu HĐND mang tới kỳ họp để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đến công trình xây dựng mà người dân rất bức xúc đã nói lên tâm huyết của đại biểu.

Công trình cầu Văn Thánh phải làm đi, làm lại nhiều lần cho thấy những yếu kém ở các khâu trong xây dựng, ở các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng như: nhà thầu, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát và chủ đầu tư. Gần đây, vấn đề này đã được coi trọng. Nhiều công trình lớn đầu tư theo hình thức BOT trong nước, có thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, giám sát đã thực hiện nghiêm ngặt ở các khâu – như cầu Phú Mỹ, nếu chậm trễ một ngày bị phạt 50.000 USD.

Còn nhiều vấn đề trong quản lý đô thị như quản lý đất đai, nhà xưởng, kho bãi sở hữu nhà nước, việc xử lý những vấn đề về môi trường, khắc phục ô nhiễm…, HĐND TP cũng đã có nhiều cuộc giám sát, khảo sát và kiến nghị UBND TP chỉ đạo và cũng đã có những chuyển biến tích cực. Có những công trình, có những vấn đề đại biểu đã tự đi tới nơi để xem xét, để có báo cáo trước kỳ họp nhất là trong phiên họp chất vấn để làm rõ trách nhiệm.

Mặc dù còn phải nâng cao chất lượng hoạt động giám sát nhưng kết quả đạt được cũng nói lên cố gắng của HĐND TP. Có sự giám sát, nhiều công trình chậm trễ được thúc đẩy tiến độ, những công trình chất lượng có vấn đề cũng được xem xét khắc phục. Qua đây, người dân TP ít nhiều đã có sự ghi nhận, có thêm sự gửi gắm, tin cậy nơi cơ quan và người đại biểu của dân. Người dân đã quan tâm, theo dõi hoạt động của HĐND nhất là ở các kỳ họp, ở các phiên chất vấn.

Qua đường dây điện thoại, ý kiến của người dân cũng đã được các sở - ngành tiếp thu và trả lời. Sự gần dân của các đại biểu, của cách làm việc qua các kỳ họp như một tín hiệu mới làm cho chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐNDTP ngày một tốt hơn lên, làm cho mỗi đại biểu cảm thấy như được học hỏi nhiều hơn, như được lớn hơn lên, trưởng thành hơn lên trong trường học rộng lớn của nhân dân, trong vai trò người đại biểu của dân.

Giám sát về quản lý đô thị đã, đang và sẽ còn là đề tài được đề cập nhiều trong cuộc hành trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát cũng như trong hoạt động của HĐND TP khóa VII. 

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục