PCI là con số nói lên năng lực cạnh tranh giữa các địa phương trong vấn đề tạo điều kiện cho lực lượng doanh nghiệp phát triển. PCI đảm bảo mang tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời là kênh thông tin tốt đối với chính quyền địa phương, cũng như các cấp lãnh đạo trung ương trong việc xác định môi trường kinh doanh của địa phương. Qua đó, giúp lãnh đạo địa phương trong việc định hướng việc cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút các nguồn lực đầu tư.
Thứ bậc xếp hạng trong bảng chỉ số PCI chỉ có ý nghĩa tương đối. Điều quan trọng sau chỉ số năng lực cạnh tranh, chính quyền mỗi địa phương phải luôn có cảm nhận của doanh nghiệp và nhân dân địa phương mình - như một công cụ giám sát về điều hành, quản lý kinh tế - xã hội, để từ đó nỗ lực cải cách.
Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đặt ra 7 chương trình đột phá. Trong đó, nổi bật là nâng cao tính cạnh tranh của TP; đặc biệt là của các doanh nghiệp trên địa bàn, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, tạo động lực cho việc thu hút đầu tư và phát triển, nâng cao chỉ số PCI thì TP cần thực hiện tốt và có hiệu quả 6 nhóm nội dung chính. Trong đó, việc đầu tiên phải triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như các kế hoạch của TPHCM về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để giảm chi phí gia nhập thị trường và thời gian thực hiện các quy định của nhà nước đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ tư, tiếp tục cụ thể hóa các chính sách nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa tính minh bạch, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các thiết chế pháp lý của doanh nghiệp.
Thứ năm, là phụ thuộc vào chính sách khoa học công nghệ và chính sách phát triển doanh nghiệp. TPHCM cần vận dụng và có sáng tạo trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn để doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoàn thiện và đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh hữu hiệu và bền vững, ngay cả trong điều kiện kỹ thuật công nghệ và tài chính không thay đổi.
Thứ sáu, tập trung hóa giải 3 điểm nghẽn về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đô thị. Nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, xây dựng và hình thành từ 1 - 3 doanh nghiệp có tính đầu đàn, tạo tác động lan tỏa, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu hoàn thành có hiệu quả năm “Hành động vì doanh nghiệp”, tạo động lực phát triển cho các năm tiếp theo.
TUẤN MINH (lược ghi)