“Bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững nhất. Vậy cách nào để nâng cao năng lực cạnh tranh?”, đó là chủ đề mà đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, gợi mở tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hơn 200 đại biểu là các doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế tham gia hội thảo đã thẳng thắn đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới.
Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN nhỏ
Đó là 2 điểm nhấn quan trọng trong hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh nhóm chính sách tạo thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp. Trong đó, các đại biểu cho rằng quan trọng nhất là tạo động lực cho đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, thách thức cơ bản của Việt Nam vẫn là năng suất của khu vực tư nhân bị giảm theo thời gian. Hiện nay rất khó phân biệt được năng suất của khu vực tư nhân và DN nhà nước. Do vậy, cần phải đảo ngược xu hướng này, giúp DN tư nhân phát triển.
Các đại biểu dự hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN”
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề nghị: “Cộng đồng DN Việt Nam cần có hệ thống thể chế tốt, bệ đỡ tốt cho làn sóng khởi nghiệp. Có hai việc Chính phủ cần làm về thể chế, đó là tạo môi trường thể chế thuận lợi và bình đẳng giữa các DN và có biện pháp, chính sách hỗ trợ DNNVV hiệu quả”. Ông Lộc cho rằng, từ trước tới nay, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV chưa được ổn định. Chỉ khi nào DN khó khăn thì mới hỗ trợ, từ giờ phải thay đổi, phải hỗ trợ những DN có tiềm năng cạnh tranh gặp khó khăn trong giai đoạn này vươn lên. Chọn những DN có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế, mang thương hiệu quốc gia. Từ đó chúng ta có những DN tư nhân mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới. Các DN sẽ đứng trên vai nhà nước để phát triển. Đây là tư duy cần được áp dụng để phát triển.
DN cũng phải minh bạch
TS Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề, phải 5 - 7 năm tới mới trả lời cho câu hỏi dân tộc Việt Nam có vượt lên, có bứt phá được hay không. Hiện nay, chúng ta có một thời cơ thuận lợi khi TPP đã được ký kết. Đây là cơ hội có một không hai khi TPP chưa mở rộng thành viên. Do vậy, cần phải có cơ chế để tận dụng nó ngay từ bây giờ. Các DN cho rằng, chúng ta mở cửa nhưng có đón nhận làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới đang diễn ra hay không là tùy thuộc vào việc Nhà nước có cải cách thể chế hay không. Đại hội Đảng lần thứ XII lần đầu tiên khẳng định Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN theo hướng hiện đại theo chuẩn mực của thế giới. Cũng lần đầu tiên nhắc đến kinh tế tư nhân là động lực và xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông Lộc nói rằng “thể chế nào, doanh nhân đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Do vậy, việc phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường lao động và môi trường kinh doanh trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Theo bà Victoria Kwakwa, thủ tục rườm rà, tham nhũng và việc không cung cấp được dịch vụ phù hợp cho DN sẽ tạo ra chi phí lớn. Qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy, chúng ta cần nhấn mạnh sự minh bạch; phải cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế vận hành một cách trơn tru; cơ sở hạ tầng phát triển sẽ giúp kết nối và giảm khoảng cách; giúp giảm nghèo và bất bình đẳng. Giáo dục, đào tạo cũng đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển. Vì thế vai trò giáo dục và đào tạo hướng nghiệp, dạy nghề là vô cùng quan trọng, cần phải được chú trọng.
Ông Lộc thì đề nghị rằng, cần có chương trình khởi nghiệp, nâng cao năng lực của các hiệp hội DN, thúc đẩy hình thành thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của Việt Nam, trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho các DN khác. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển, Chính phủ và Nhà nước phải vượt lên để kiến tạo phát triển, bên cạnh đó DN cũng phải tự nâng tầm mình lên, liêm chính và minh bạch, đổi mới và sáng tạo. Hai lực cùng thúc đẩy thì mới tạo ra sự phát triển căn cơ, bền vững lâu dài, là giá trị cốt lõi cần phát huy.
Hội thảo cũng đã tiếp thu nhiều đề xuất, sáng kiến về chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ DN và hỗ trợ khởi nghiệp, cũng như các ý kiến về đổi mới hoạt động quản lý của Nhà nước sao cho minh bạch, hiệu quả hơn.
HÀN NI