Đảm bảo chất lượng tăng trưởng
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng trong những năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của TPHCM liên tục bị tụt hạng. Ngoài ra, tuy TPHCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng tỷ trọng thu hút FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại thấp hơn mức bình quân của cả nước.
Thống kê trong 2 năm 2016-2017, kinh tế thành phố duy trì được mức tăng trưởng khá cao, năm 2016 tăng trưởng GRDP đạt 8,05% và năm 2017 đạt 8,25%. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố, đồng thời chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Song song đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TPF) vào tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp so với bình quân cả nước.
Cụ thể, tỷ lệ đóng góp của TPF vào tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2016 đạt 40% thì tỷ lệ đóng góp TPF vào tăng trưởng kinh tế TPHCM chỉ đạt 35%. Tương tự, năm 2017, tỷ lệ đóng góp của TPF vào tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 44% thì tỷ lệ này của TPHCM chỉ dừng ở 38%. Từ đó, có thể thấy tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động (chiếm tới 67,4%).
Trước bối cảnh thực tế trên, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo, cơ chế chính sách của TPHCM phải bám sát các mục tiêu, tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế. Điển hình, muốn tăng hiệu quả thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông thì cơ chế chính sách phải đảm bảo minh bạch và phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn đầu mối hay một cửa, song song với việc nâng cao năng lực của bộ máy chính quyền và cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, các sở ngành, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã và đang tích cực triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, đánh giá khả năng dịch vụ tiện ích của các quận 1, 3, 12 và Bình Thạnh để có thể nhân rộng những tiện ích đó ra các quận, huyện khác, từ đó phát triển đồng bộ tại 24 quận, huyện. Tuy nhiên, để đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng, TPHCM phải có giải pháp liên kết với các địa phương khu vực phía Nam một cách toàn diện.
Đặc biệt, thành phố không nên dừng lại ở việc duy trì các hoạt động liên kết doanh nghiệp địa phương, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu... mà cần tăng cường tập trung phát huy thế mạnh từng ngành và nội lực của các đơn vị sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động này. Từ đó, mới hỗ trợ và giúp cộng đồng doanh nghiệp TPHCM nói riêng, khu vực phía Nam nói chung, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh, hình thành chuỗi cung - cầu, gia tăng giá trị sản phẩm... đóng góp hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế của TPHCM.
Cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong định hướng phát triển kinh tế, TPHCM xác định gắn liền với tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, gồm: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa , chế biến tinh lương thực thực phẩm; cùng 2 ngành truyền thống là dệt may và da giày. Các ngành này chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố; do đó, TPHCM cần sớm có cơ chế để thu hút nhân tài, thêm nguồn lực tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ. Với những đề án như thành phố thông minh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào chương trình cải cách hành chính… được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực và giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong những năm tới.
Đánh giá về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo động lực phát triển nếu doanh nghiệp tận dụng được cơ hội khai thác những yếu tố lợi thế và có cách tiếp cận phù hợp, ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA), chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ phát triển nhanh chóng, lan tỏa hầu hết các quốc gia (trong đó có Việt Nam) mà còn vô cùng phức tạp. Điển hình, Data và Big Data quyết định hành vi, thói quen, môi trường kinh doanh đầu tư… với thế giới số ảnh hưởng đến tất cả ngành công nghiệp. Nếu vận dụng đúng cách, công nghệ không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế, hiệu quả kinh doanh mà còn giúp các quốc gia phục hồi những ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường sống tốt hơn.
Theo ông Phạm Phú Trường, toàn cầu hóa thương mại tự do đã đạt được nhiều mục tiêu nhất định, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, doanh nghiệp càng lo lắng về thách thức tăng trưởng như sự thay đổi luật pháp, môi trường kinh doanh và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần sớm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và không thể nằm ngoài dòng chảy của xu hướng công nghệ. Đây là nền tảng cơ sở tạo động lực để doanh nghiệp tư nhân phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để khai thác các cơ hội mới. Trong đó, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tăng cường năng lực dự báo vấn đề, thích ứng với sự thay đổi, tự học liên tục; đồng thời, để phát triển bền vững còn phải đầu tư vào chính bản thân mình, vì chủ doanh nghiệp luôn là hạt giống cốt lõi của doanh nghiệp đó.
Liên quan đến vấn đề nâng cao nội lực, chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phục vụ việc thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển, bà Nguyễn Trúc Vân, đại diện Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho hay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, thay đổi tư duy đào tạo, tuyển dụng theo bằng cấp chuyển sang đánh giá năng lực thực tiễn là rất cần thiết, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi lực lượng lao động phải có khả năng tiếp cận và vận dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh.