Ý thức kém
Vào lúc 10 giờ 57 ngày 7-9 vừa qua, tại trạm Chợ Bờ Ngựa, một đôi nam nữ bước lên xe buýt 53N-4301, chạy trên lộ trình Bến Thành - Nguyễn Văn Linh - Bến xe miền Tây, mã số tuyến 102, tuyến hành trình do Công ty TNHH Vận tải TP đảm nhiệm khai thác. Khi xe buýt đang lăn bánh thì 2 hành khách này liên tục mở kính cửa sổ, bất kể trên xe đang bật máy điều hòa, cũng như nam tiếp viên xe buýt đã nhiều lần nhắc nhở. Thậm chí, khi đôi nam nữ hành khách này phớt lờ, không thực hiện lời nhắc nhở, tiếp viên xe buýt đã phải đến gần tự tay đóng cửa kính lại. Chẳng những không nhận thức được hành vi sai trái của bản thân khi đang ngồi trên xe buýt, đôi nam nữ này còn ngang ngược đôi co to tiếng với tiếp viên.
Hành khách thực hiện nội quy trên xe buýt góp phần văn hóa giao thông tốt hơn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Vấn đề bị đẩy đi xa hơn khi nữ hành khách lao tới bóp cổ nam tiếp viên để rồi xảy ra xô xát giữa một bên là nam tiếp viên trẻ tuổi và bên kia là cặp nam nữ hành khách. Chưa hết, nữ hành khách kia tiếp tục bộc lộ sự hung hăng khi cầm một vật nhọn định đâm nam tiếp viên vào lúc cặp đôi này bước xuống trạm xe buýt. Nếu nam tiếp viên không kịp thời né tránh cú đâm mang tính thù hằn vặt vãnh đó, chắc hẳn bấy giờ đã có đổ máu.
Sự cố xảy ra với xe buýt 51B-307.51 hoạt động trên tuyến Bến xe miền Đông - Hóc Môn, do HTX Vận tải xe buýt 19-5 đảm trách khai thác, lại theo một dạng khác. Theo đó, khoảng 12 giờ 15 ngày 23-7, một hành khách bước lên xe buýt này tại Bến xe miền Đông. Đây là hành khách lên xe tại đầu bến như bao hành khách khác, ngoại trừ hàng hóa hành khách này mang theo lên xe buýt. Bởi khi xe buýt đóng hết cửa, bật máy điều hòa và lăn bánh thì chỉ đi được một đoạn ngắn, tới gần trạm ở góc giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Chu Văn An thuộc quận Bình Thạnh, tài xế và tiếp viên liên tục bị nhiều hành khách khác trên xe phản ánh có mùi khó chịu phát ra từ túi hành lý của hành khách nêu trên. Kiểm tra mới biết hành lý đó là cá đông lạnh, tuy được gói cẩn thận nhưng vẫn bị chảy nước ra sàn xe buýt và bốc mùi khó chịu trong không gian kín của xe.
Một trường hợp khác, vào sáng 17-4, xe buýt 51LD-5943 của Công ty TNHH Vận tải Ngôi sao Sài Gòn, khai thác tuyến Bến Thành - Cộng Hòa - An Sương, mã số tuyến 04, gặp phải nữ hành khách rắc rối. Nữ hành khách này lên xe tại một trạm trên đường Nguyễn Đình Chiểu để đi về Bến xe An Sương, chỉ có điều trên hành trình, nữ hành khách lấy bánh mì ra ăn và làm rơi vãi đầy trên xe. Tiếp viên buộc phải nhắc nhở hành khách ăn cẩn thận, đừng để rơi vãi vì xe đang mở máy lạnh, vụn bánh có thể bị cuốn vào máy lạnh rồi gây bốc mùi sẽ làm phiền những hành khách khác.
Chỉ có thế nhưng nữ hành khách này lại lớn tiếng nạt nộ tiếp viên và sau đó còn phản ánh không đúng sự thật vụ việc đến cơ quan quản lý nhà nước, nói rằng bị tiếp viên bắt nạt, đồng thời tài xế vừa hút thuốc vừa sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe. Hệ thống camera giám sát trên xe đã ghi hình đầy đủ vụ việc và đã bác bỏ toàn bộ nội dung tố cáo của nữ hành khách này. Bởi thực tế, không có việc tài xế hay tiếp viên nạt nộ hành khách, cũng không có chuyện tài xế hút thuốc và sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện trên đường.
Đổi mới để nâng tầm
Có một thực tế đơn giản mà một bộ phận hành khách đi xe buýt chưa hiểu và chưa biết đầy đủ. Đó là hoạt động của ngành xe buýt nói chung và xe buýt trên địa bàn TPHCM nói riêng có những quy định hết sức nghiêm ngặt. Những quy định này không chỉ đối với người quản lý, hoạt động trong địa hạt vận tải hành khách công cộng mà cũng có nhiều quy định áp dụng đối với bản thân hành khách.
Chẳng hạn như về phía nhà xe, cấm tài xế sử dụng điện thoại hay hút thuốc trong suốt quá trình xe lăn bánh trên đường. Về phía tiếp viên xe buýt có thể nhắc tới quy định cần có lời nói, thái độ văn minh lịch sự đối với hành khách, không được có hành vi làm ảnh hưởng đến hành khách nói riêng và hình ảnh xe buýt thành phố nói chung.
Trong khi đó, những quy định đối với hành khách cũng rất thực tế, gần gũi như quy định hành khách không được mở cửa sổ khi xe buýt đang bật máy lạnh, như trường hợp đôi nam nữ hành khách đi xe buýt 53N-4301 nêu trên. Trong trường hợp nữ hành khách đi xe buýt 51B-307.51, sự “hồn nhiên” của hành khách ở chỗ không biết quy định của ngành vận tải công cộng không cho phép mang hàng hóa, đồ ăn có mùi tanh, hôi vì có thể gây khó chịu cho hành khách khác trên xe.
Ngoài ra, còn có những quy định khác như hành khách không được gác chân lên ghế phía trước; để ba lô, hành lý lên ghế ngồi của người bên cạnh; mang theo hành lý, hàng hóa chứa chất cấm; cười nói ồn ào làm phiền cộng đồng… Nói đơn giản, đi xe buýt cũng cần có nét văn hóa nhất định.
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP), ngành xe buýt thành phố đã và sẽ còn tiếp tục có nhiều cải tiến, điều chỉnh, đổi mới để nâng tầm hoạt động địa hạt này, hầu phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân chọn lựa đến với xe buýt.
“Trong hành trình tiến lên ấy, bên cạnh nỗ lực từ phía quản lý nhà nước và những người hoạt động trong ngành xe buýt; chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ, hưởng ứng từ phía hành khách - người dân. Sự ủng hộ, ấy có thể đến bằng nhiều cách, trong đó có việc người dân -hành khách thực hiện nghiên túc những quy định của ngành xe buýt”, ông Trần Chí Trung nói thêm.