Để ĐBSCL đuổi kịp các vùng khác

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục

Dù là vùng đất giàu tiềm năng, sản xuất và xuất khẩu nhiều hàng hóa nông – thủy sản nhất cả nước nhưng so với các vùng khác, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn tụt hậu khá xa. Đây phải chăng là một nghịch lý? Phóng viên báo SGGP đã trao đổi với ông Bùi Quang Huy, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ xung quanh vấn đề này.

- Có thể nói Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị là “chìa khóa” để ĐBSCL phát triển. Theo ông, các tỉnh, thành trong vùng đã thực hiện nghị quyết này ra sao?

- Nghị quyết 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL 2001-2010 được ban hành vào ngày 20-1-2003. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 14/2003/CT-TTg ngày 5-6-2003 để cụ thể hóa nghị quyết.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục ảnh 1

Ông Bùi Quang Huy.

Đến nay, các bộ ngành liên quan đều đã có văn bản triển khai. Các tỉnh, thành Tây Nam bộ, sau khi quán triệt nghị quyết, chỉ thị cho cán bộ chủ chốt ở địa phương mình, đã có kế hoạch triển khai bằng việc cụ thể hóa chỉ tiêu, giải pháp trong nghị quyết và chương trình hành động. Đến nay, một số chỉ tiêu lớn của nghị quyết đã được các tỉnh, thành thực hiện đạt khá.

- Theo ông, hiện nay những yếu kém nào là bức xúc nhất của ĐBSCL?

- Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều nhà khoa học và các lãnh đạo trong vùng: cái yếu nhất của ĐBSCL hiện nay là cơ sở hạ tầng và giáo dục. Trước đây, lũ thường theo chu kỳ 4 năm, nhưng gần đây năm nào cũng có. Ngập lũ thường kéo theo những hệ lụy, cụ thể là hạ tầng giao thông - vốn đã yếu - bị phá vỡ.

Hàng hóa nông sản đều phải lệ thuộc qua kênh phân phối vào TPHCM cả đường thủy, lẫn đường bộ; từ đó làm chi phí sản xuất, xuất khẩu nông – thủy sản tăng vọt. Bộ Giao thông - Vận tải cần có nhiều biện pháp huy động và đầu tư mạnh hơn cho giao thông ĐBSCL.

Chúng ta cũng đã nói nhiều đến những yếu kém trong giáo dục của ĐBSCL từ trình độ dân trí, đến cơ sở hạ tầng (CSHT), đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực. Mới đây, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo nâng tỷ lệ đầu tư cho ĐBSCL. Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về giáo dục ở ĐBSCL. Hy vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh.

- Ông vừa đề cập đến những tác động của lũ, nhưng ĐBSCL còn chịu sức ép từ vấn đề hạn, mặn xâm nhập. Chúng ta phải làm gì để hài hòa khâu thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản?

- Nhìn trên tổng thể, sản xuất nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL gắn liền với ba vùng chính: tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau. Thủy lợi của ĐBSCL với đặc điểm nhiều kênh rạch, nhiều vùng, tiểu vùng sinh thái. Những năm qua, đã có hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư cho hệ thống thủy lợi trong vùng.

Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi trước đây xây dựng chỉ nhằm phục vụ cho cây lúa, đã tỏ ra không đáp ứng tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng: Trong bối cảnh sản xuất đan xen nhiều mô hình, thủy lợi phải phục vụ cho đa mục tiêu.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục ảnh 2

Thủy sản - thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là một quan điểm mới mà chúng tôi rất tâm đắc. Vì vậy, chúng ta phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi trong vùng. Và quy hoạch này phải dựa trên chiến lược sử dụng tài nguyên nước đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, an toàn về số lượng, chất lượng và bảo vệ môi trường; không chỉ nông nghiệp mà cho cả nuôi trồng thủy sản và cho các ngành kinh tế khác.

Vừa qua, các tỉnh ven biển trong vùng phải đối diện gay gắt với hạn, mặn xâm nhập. Theo tôi, sự điều chỉnh phù hợp cho vùng bán đảo Cà Mau là phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống thủy lợi đa mục tiêu gắn với việc hình thành các vùng và tiểu vùng sinh thái đa dạng, sẽ không đánh mất vùng sinh thái ngọt, vừa đảm bảo cho sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo cơ chế thị trường, nhưng đồng thời cũng đảm bảo duy trì được hệ sinh thái đa dạng sinh học, phù hợp với quy luật tự nhiên.

- Sau Quyết định 99/TTg, tiếp theo Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 173 về phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH… đến năm 2010 đã tạo thêm nguồn lực cho ĐBSCL phát triển. Song, có ý kiến cho rằng: việc thực hiện quyết định này chưa hiệu quả vì không có ban chỉ đạo; tổ chức không thường xuyên, thiếu vốn, đầu tư dàn trải không hiệu quả…?

- Đối chiếu với các mục tiêu đề ra trong QĐ 173 của Thủ tướng Chính phủ, phải thừa nhận một số dự án triển khai còn chậm, trong đó có chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở cho nhân dân trong vùng ngập lũ.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xác định rõ nguyên nhân chậm trễ, xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tôi được biết, Chính phủ cũng đã đồng ý cho thành lập các Ban quản lý dự án công trình cho từng vùng, khu vực trọng điểm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều phối, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi... Trước mắt, thành lập 3 Ban quản lý dự án tại tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau.

- Một vấn đề quan trọng trong quá trình CNH-HĐH là phát huy nhiều nguồn lực, các địa phương đã tận dụng lợi thế này ra sao, thưa ông?

- ĐBSCL nói chung và từng tỉnh thành nói riêng đều chú trọng phát huy nguồn lực tại chỗ, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài. Hiện nay, do điều kiện hạ tầng kinh tế và xã hội trong vùng còn thấp kém cho nên việc huy động các nguồn lực bên ngoài của vùng ĐBSCL chưa đạt yêu cầu.

Nguồn vốn FDI và ODA chảy vào còn rất khiêm tốn, mặc dầu các địa phương đã có rất nhiều cố gắng mời gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Riêng nguồn lực tại chỗ, các địa phương đã chú trọng khai thác các nguồn lực trong dân, nhiều doanh nghiệp mới trong tỉnh đã được thành lập, nhiều mô hình sản xuất kết hợp giữa nông nghiệp, thủy sản trong nhân dân đã có hiệu quả cao và được nhân rộng.

Nhìn chung, hầu hết các tỉnh, thành đều đã xác định đúng vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp dân doanh. Trên một đơn vị diện tích, nhiều mô hình đạt 40 – 50 triệu đồng/ha/năm. Trong vùng hiện đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, không thua kém trên thương trường thế giới và khu vực, rõ nhất là trong ngành chế biến thủy sản.

- Theo ông, bao giờ ĐBSCL có thể đuổi kịp, hòa nhập cùng một số vùng khác trong cả nước?

- Nhiều công trình trọng điểm mang tính đòn bẩy đã và đang triển khai trong vùng. Các tuyến quốc lộ trục dọc như quốc lộ 1, tuyến N1, N2 và tuyến ven biển, xây dựng cầu Cần Thơ, Rạch Miễu; nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế; xây dựng Phú Quốc thành một trung tâm du lịch; nâng cấp cảng Cần Thơ, cải tạo luồng Định An cùng với các công trình khí điện đạm ở Cà Mau và nhà máy nhiệt điện Ô Môn… sẽ là động lực để ĐBSCL bứt phá vượt lên.

Mục tiêu của Bộ Chính trị là từ năm 2010-2015, ĐBSCL sẽ đuổi kịp và có mức sống ngang bằng các vùng khác trong nước. Nếu như các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà chúng ta đã trao đổi ở trên thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, rất cần đến vai trò của TP Cần Thơ – phải thực sự là một thành phố trung tâm, tạo động lực cho toàn vùng phát triển.

- Xin cảm ơn ông!  

CAO PHONG thực hiện

Tin cùng chuyên mục