Tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tổ chức lễ khởi động dự án nâng cấp đô thị 6 thành phố ĐBSCL gồm: Cần Thơ, Mỹ Tho, Cao Lãnh, Cà Mau, Trà Vinh và Rạch Giá.
Theo bà Đỗ Tú Lan, Cục phó Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia - NUUP”, giai đoạn 2009 - 2020 với khoảng 100 đô thị (từ loại 4 trở lên) của cả nước sẽ được trình tự nâng cấp.
Tại ĐBSCL, dự án nâng cấp đô thị (MDR-UUP) sẽ ưu tiên đầu tư 110 khu vực thu nhập thấp thông qua việc nâng cấp, xây mới và cung cấp cơ sở hạ tầng có sự tham gia của cộng đồng với tổng vốn đầu tư 399 triệu USD, trong đó vốn ODA là 293 triệu USD, vốn đối ứng 106 triệu USD, dự kiến có gần 1,8 triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp. Bà Lan cho biết ĐBSCL được xác định là khu vực ưu tiên trong chương trình nâng cấp đô thị với sự đồng thuận cao của các bộ ngành liên quan và nhà tài trợ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, với những giá trị và lợi ích to lớn đã được thể hiện qua kết quả của dự án nâng cấp đô thị cũng sử dụng vốn vay của WB đã và đang thực hiện tại TP Cần Thơ (triển khai từ năm 2008 và sẽ kết thúc vào năm 2014), MDR-UUP sẽ tiếp tục góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho các khu vực thu nhập thấp, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Riêng tại Cần Thơ, giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành nâng cấp 31 khu dân cư thu nhập thấp, hạ tầng kém với tổng diện tích khoảng 500ha tại 4 quận. 50.000 người sẽ hưởng lợi, tạo điều kiện cho các khu dân cư thu nhập thấp có điều kiện phát triển sinh sống, làm việc.
Ông Nguyễn Văn Hôn, Phó Chủ tịch UBND TP Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết: Rạch Giá có quy mô dân cư chỉ sau Cần Thơ và Long Xuyên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển đô thị chậm. Sau khi tiếp nhận dự án, tỉnh Kiên Giang và TP Rạch Giá đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các yêu cầu đặt ra như: thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, ban quản lý điều hành dự án... Địa phương cũng đã hoàn thành hồ sơ thiết kế chi tiết cho các hạng mục giai đoạn 18 tháng, cuối tháng 6-2012 hồ sơ sẽ được các cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai đấu thầu trong năm 2012 cho các hạng mục hoàn thành của công tác chuẩn bị...
Bà Đỗ Tú Lan cho rằng MDR-UUP là dự án được ưu tiên đầu tư của Chính phủ nhằm cải thiện khu vực nghèo đô thị, chủ yếu là hạ tầng kỹ thuật và công ích xã hội, tạo sự cân bằng xã hội; vốn vay ODA là Chính phủ vay của các nhà tài trợ để đầu tư. Do đó, ODA phải được trân trọng và sử dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Để đạt được điều đó, Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan điều phối và triển khai MDR-UUP yêu cầu các Tiểu dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Điều phối Bộ Xây dựng và nhà tài trợ để tiến hành dự án theo đúng quy định, cam kết của Chính phủ và WB.
Nội dung chính của MDR-UUP: Xây dựng mới và cải tạo 175.835m đường; 239.300m cống thoát nước; 34.300m kênh rạch; 3.410 lô nền đất dịch vụ mới kèm dịch vụ được xây dựng; 25.900 gia đình được kết nối với hệ thống cấp nước; 139.500 người được tiếp cận với đường dân cư hoặc đường phố được nâng cấp; 18.900 gia đình được kết nối tới bể tự hoại và hệ thống nước thải... |
LÊ PHƯƠNG