Bạc Liêu được bè bạn gần xa biết đến với câu chuyện về “Công tử Bạc Liêu” giàu có, phóng khoáng từ những sự thật và giai thoại, qua những câu ca đại loại như “nghe danh “Công tử Bạc Liêu”, đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu…”. Hiện Bạc Liêu đang kết hợp với Sài Gòn Tourist làm du lịch từ thương hiệu này.
Đến với Bạc Liêu, điều đầu tiên đa số các du khách tìm xem đó chính là khu nhà “Công tử Bạc Liêu”. Lúc mới chia tách tỉnh, khu nhà “Công tử Bạc Liêu” được giao Bảo tàng tỉnh quản lý. Đến năm 2002, toàn bộ khu nhà được giao Công ty Du lịch Bạc Liêu quản lý và kinh doanh dịch vụ nhưng vẫn không phát huy hiệu quả.
Đến tháng 9-2005, Tỉnh ủy giao khu nhà “Công tử Bạc Liêu” cho Văn phòng Tỉnh ủy quản lý để làm Nhà khách Tỉnh ủy. Theo chiết tính, năm 2011, mức doanh thu của khu nhà này ước đạt 20 tỷ đồng, trừ các khoản, còn lãi trên 1 tỷ đồng. Mức doanh thu ấy khá cao nhưng so với thương hiệu vốn có vẫn chưa tương xứng.
Điều đáng nói, một thời gian khá dài khu nhà “Công tử Bạc Liêu” vẫn chưa có sức quyến rũ đối với du khách tham quan. Thậm chí, nhiều người tỏ ra… thất vọng khi đến đây. Cái được họ mang về chỉ là quyển sách ““Công tử Bạc Liêu” - sự thật và giai thoại” (tác giả: nhà văn Phan Trung Nghĩa), còn hiện vật và những gì họ trông thấy so với thương hiệu của “Công tử Bạc Liêu” còn quá nghèo nàn.
Thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” dù đã “bay xa” như vậy (không chỉ phạm vi trong nước mà cả ngoài nước) nhưng khách quan mà nói, địa phương vẫn chưa tận dụng lợi thế của thương hiệu này để làm cho du lịch Bạc Liêu “phất” hơn nữa. Đó là sự lãng phí tiềm năng.
Để đánh thức thương hiệu “Công tử Bạc Liêu”, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã họp bàn, thống nhất chủ trương tìm một nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ này. Và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Sài Gòn Tourist) đã được chọn làm đối tác. Với hình thức ký kết hợp đồng, Bạc Liêu sẽ cho Sài Gòn Tourist thuê khu nhà “Công tử Bạc Liêu” đầu tư tôn tạo phục vụ du lịch. Phương thức tôn tạo của khu nhà “Công tử Bạc Liêu” phải tôn trọng nguyên tắc bảo trì nguyên trạng, không làm biến dạng kiến trúc vì đây là công trình kiến trúc cổ.
Tuy nhiên, trong quá trình tôn tạo, phía đơn vị thi công sẽ chỉnh sửa lại một số chi tiết sai với nguyên bản (do trước đây một đơn vị chủ quản đã làm thay đổi kiến trúc); ngoài ra, một số phòng sẽ tái hiện phòng nghỉ của “Công tử Bạc Liêu”, nơi sinh hoạt của gia đình “Công tử Bạc Liêu” (chỉ cho khách tham quan, không cho thuê phòng nghỉ như trước đây); khu nhà sẽ được thay đổi màu sơn để phù hợp với kiến trúc cổ; trong khuôn viên nhà “Công tử Bạc Liêu” sẽ xây dựng những khu nhà cách điệu kiểu cổ để tạo ra các dịch vụ du lịch, nhưng tuyệt đối không xây nhà cao tầng làm phá vỡ kiến trúc cổ của toàn bộ khu nhà…
Ngay sau khi ký kết hợp đồng, Sài Gòn Tourist đã tiến hành ngay các bước thi công, dự kiến ngày 1-1-2012 sẽ khánh thành. Ông Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết: “Việc hợp tác với Sài Gòn Tourist là nhằm đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch Bạc Liêu. Tôn tạo khu nhà “Công tử Bạc Liêu” sẽ làm cho nơi này trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh và khu vực, kể cả du khách nước ngoài”.
Được biết, trong giai đoạn 1, đơn vị đối tác sẽ đầu tư, nâng cấp, tôn tạo khu A (gồm cụm nhà “Công tử Bạc Liêu”, nhà Huyện Sổn, khuôn viên nhà “Công tử Bạc Liêu”); giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư khu B (từ sau nhà Huyện Sổn đến cầu Bạc Liêu 3), hệ thống khách sạn đạt chuẩn 4 sao… Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến từ 250 - 300 tỷ đồng.
Hy vọng rằng với kinh nghiệm của Sài Gòn Tourist và thương hiệu “Công tử Bạc Liêu”, khu nhà “Công tử Bạc Liêu” sẽ “chạy” vào guồng máy làm du lịch một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn với tiềm năng vốn có của mình, góp phần quan trọng chuyển đổi diện mạo cho du lịch Bạc Liêu trong tương lai gần.
CẨM THÚY