Hôm nay 10-10, Tổng thống Nga V.Putin có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul và tham dự Hội nghị Năng lượng thế giới. Lần gần đây nhất ông Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11-2015 khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya. Chỉ một tuần sau đó, máy bay Su30 của Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đã tạo nên cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Mátxcơva và Ankara, vốn đã căng thẳng vì vấn đề Syria. Nga sau đó đã thiết lập các biện pháp trả đũa nặng nề nhằm trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Rồi nguyên thủ hai nước đã bắt đầu tiến trình hòa giải hồi tháng 7, đánh dấu bằng chuyến đi của Tổng thống Erdogan tới Saint-Peterburg hồi 10-8, cũng như trao đổi kinh tế hai bên dần được khôi phục sau 9 tháng u ám. Nhưng liên quan tới chủ đề Syria, Mátxcơva tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn ông Assad ra đi.
Trước chuyến đi hôm nay của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 8-10 cho rằng dù có những khác biệt, không nên nêu vấn đề của một nước làm điều kiện để phát triển quan hệ của hai nước khác. Thay vào đó, cần tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cũng như duy trì các cuộc đối thoại cởi mở, sử dụng các phương thức ngoại giao có sẵn. Theo ông Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn quay vế mối quan hệ với Nga như thời trước khi có khủng hoảng mà còn muốn nâng chất mối quan hệ tốt hơn.
Có thể thấy, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang ấm lên nhanh chóng, hoàn toàn không còn nhận thấy dấu hiệu ăn miếng trả miếng giữa hai nước như hồi tháng 11 năm ngoái. Việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động làm dịu quan hệ với Nga chủ yếu xuất phát từ một số tính toán. Thứ nhất, các biện pháp đáp trả của Nga làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích của nước này vì các lĩnh vực bị ảnh hưởng là nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu của Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, Nga nắm bắt chính xác “gót chân Achilles” an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ - người Kurd. Ba là xem xét môi trường ngoại giao sau cuộc đảo chính, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước phương Tây có phần xấu đi, cải thiện quan hệ với Nga sẽ giúp cải thiện môi trường ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đối với Nga, chấp nhận lời xin lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ, một mặt sẽ cứu vãn được thể diện trong vụ máy bay bị bắn hạ, có lợi cho việc duy trì hình tượng nước lớn của Nga. Mặt khác, Nga cũng đã tỏ thái độ linh hoạt, khi căng khi chùng với Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, trong quá trình trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) liên tục trừng phạt Nga do vấn đề Ukraine, lợi ích của Nga cũng bị tổn hại. Hơn nữa, mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở phe chống khủng bố khác nhau nhưng cùng có lợi ích trong việc tấn công IS. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của NATO, đồng thời còn chuẩn bị gia nhập EU. Cuộc đảo chính bất thành trên một mức độ nào đó đã tác động tới quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu, dẫn tới quan hệ với Nga ấm lên, quan hệ với Mỹ và châu Âu lại đi xuống.
Nhìn chung, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, châu Âu và Nga là vấn đề chiến lược và chính sách. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, châu Âu bất hòa sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước không thuộc phương Tây như Nga. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng việc tăng cường mối quan hệ với các nước không thuộc phương Tây để làm đòn bẩy cho mối quan hệ với Mỹ và châu Âu, khiến phương Tây coi trọng địa vị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ hơn.
VIỆT KHUÊ